1 tuần qua, lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối của TP HCM chưa có nhiều đột biến gia tăng số lượng bệnh nhân. Tuy nhiên, các bệnh viện lớn, có đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh đã chuẩn bị các phương án để giảm tải.
Nguy cơ tuyến dưới "đói" bệnh nhân, tuyến trên quá tải
Bà Ngô Thị Kim, 56 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương bị u tuyến giáp, nhập Bệnh viện Ung bướu TP HCM và được chỉ định phẫu thuật từ ngày 31/12/2020. Sau mổ, bà đăng ký nằm dịch vụ tại Khoa điều trị tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu, được BHYT chi trả 200.000 đồng tiền giường mỗi ngày, bà chỉ phải thanh toán phần chênh lệch dịch vụ.
Cũng như bà Kim, nhiều bệnh nhân từ các địa phương khác đến chữa bệnh tại TP HCM bày tỏ vui mừng khi chi phí nằm viện được BHYT chi trả. Tuy nhiên, khi các bệnh nhân được hưởng lợi ích nhiều hơn đồng nghĩa với các bệnh viện đông bệnh nhân hơn.
Tiến sĩ - Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, 1 tuần sau khi chính sách BHYT thông tuyến tỉnh được áp dụng, chưa ghi nhận sự gia tăng trường hợp bệnh nhân từ các tỉnh lên điều trị nội trú trái tuyến.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải với khoảng 3.800 lượt khám/ngày tại cơ sở 1 và 100 lượt khám/ngày tại cơ sở 2. Riêng bệnh nhân nội trú, mỗi ngày có khoảng 500 – 600 trường hợp, trong đó có 82% bệnh nhân có BHYT, trong số này 15% là BHYT trái tuyến và 67% BHYT đúng tuyến. Từ nay trở đi, 15% trường hợp trái tuyến sẽ được thanh toán đúng tuyến. Như vậy, trước mắt bệnh viện sẽ tăng gánh nặng về định mức quỹ BHYT lên 10 tỷ đồng so với năm ngoái, chưa kể lượng bệnh nhân sẽ gia tăng.
Tiến sĩ - Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn lo ngại tình trạng quá tải, nhân viên y tế sẽ phải làm việc tối đa mà người dân cũng phải chờ đợi rất lâu: "Bệnh nhân tới đông thì phải chờ đợi. Hiện tại đã phải chờ đợi 1000 bệnh nhân mổ và 1.000 bệnh nhân xạ trị cũng phải chờ. Làm liên tục nhưng vẫn phải chờ đợi, thậm chí chuyển người bệnh qua bệnh viện khác để làm. Một tuần lễ bệnh viện mổ khoảng 700 ca, một ngày 100 bệnh nhân. Những bệnh đơn giản như bướu tuyến giáp, bướu tuyến vú phải lên tuyến cuối để làm gì".
Còn theo Bác sĩ Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, với quy định thông tuyến BHYT, bệnh viện tuyến dưới có nguy cơ mất bệnh nhân, còn tuyến trên quá tải nếu bệnh nhân nội trú tăng. Từ đó dẫn đến việc nằm ghép, nguy cơ lây nhiễm chéo, làm giảm sự hài lòng của bệnh nhân.
Bệnh viện chuẩn bị ứng phó quá tải
Chia sẻ các hoạt động trong tình hình mới, Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, bệnh viện đã ban hành chỉ định nhập nội trú để làm cơ sở cho các bác sĩ nhận bệnh, vì nhiều bệnh nhân mặc định là đến bệnh viện sẽ nhập nội trú để được hưởng BHYT theo chính sách thông tuyến tỉnh.
Bên cạnh đó, bệnh viện cố gắng bố trí lực lượng, thậm chí huy động các bác sĩ nội trú khám bệnh cho người dân. Bệnh viện cũng liên kết với các đơn vị như Bệnh viện đa khoa Hồng Đức để chuyển bệnh nhân ngoại khoa qua nếu bệnh nhân có nhu cầu, hoặc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện phục hồi chức năng – điều trị bệnh nghề nghiệp, để chăm sóc giảm nhẹ nếu bệnh nhân nội trú tăng đột biến….
Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Hồ Văn Hân, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hiện đơn vị đã thực hiện rà soát, cập nhật lại các phác đồ điều trị, tiêu chuẩn nhập viện, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Bệnh viện sẽ đưa ra các tiêu chuẩn nhập viện phù hợp điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất. Sau khi điều trị ổn định, sẽ chuyển xuống tuyến dưới để thực hiện điều trị tiếp theo, hạn chế nằm viện.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Hồ Văn Hân cho biết: do việc nhập nội trú chặt chẽ nên trước khi có chỉ định, người bệnh phải làm các công đoạn ngoại trú xét nghiệm chẩn đoán như MRI, CT… với chi phí rất tốn kém nếu không có giấy chuyển tuyến, không được thanh toán BHYT: "Khi người bệnh tự ý đến khám mà không đúng tuyến, trước khi nhập viện nội trú phải qua các bước khám chẩn đoán để xác định có đủ điều kiện nhập viện hay không. Thứ 2 nữa là chi phí chi trả, để cấp giấy xác nhận điều kiện không phải chi trả trong 1 năm thì chi khám chữa bệnh trái tuyến không được tính".
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP HCM cho biết, để thực hiện đúng quy định về chính sách pháp luật liên quan đến BHYT, đảm bảo duy trì có hiệu quả các biện pháp giảm tải bệnh viện, Sở Y tế và cơ quan BHXH đã chủ động phối hợp, theo dõi tình hình khám chữa bệnh của các bệnh viện. Từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Y tế và BHXH Việt Nam bổ sung dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở này. Cơ quan BHXH và Sở Y tế cũng sẽ chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.
"Chính sách này nằm trong lộ trình BHYT toàn dân, để thuận tiện, giảm bớt giấy tờ cho người dân khi có vấn đề về sức khỏe cần điều trị. Tuy nhiên người dân cần biết là nếu tập trung hết ở các bệnh viện tuyến trên thì cũng không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh vì quá tải, thiếu nhân lực, thiếu giường bệnh thì sẽ đi đến những bất lợi cho mình", bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết.
Chính sách thông tuyến BHYT tuyến tỉnh mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tuy nhiên chỉ áp dụng cho bệnh nhân nhập viện điều trị. Hiện nay, các bệnh viện tuyến cuối ở TP HCM đã tham gia nhiều đề án, thực hiện hỗ trợ các bệnh viện ở các tỉnh và gần đây nhất thực hiện khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao đào tạo kỹ thuật cho tuyến tỉnh. Vì vậy, người dân nên khám chữa bệnh tại địa phương, vừa giảm chi phí đi lại, ăn ở, giảm thời gian chờ đợi, vừa góp phần nâng cao năng lực của bệnh viện tỉnh nhà. Nếu cần thiết, bệnh viện địa phương sẽ tư vấn bệnh nhân lên tuyến trên điều trị./.