Dịch Covid-19 bùng phát từ sau Tết Nguyên đán nên hầu hết các trường học ở vùng cao Bắc Kạn đã phải chuyển qua học trực tuyến. Để các con không phải dừng việc học, bà con người Mông bản Phiêng Lủng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã cố gắng để mua điện thoại thông minh rồi làm lán ra bìa rừng “săn sóng” cho con học online. Dù cả bản đều là hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn nhưng họ quyết tâm không đứa trẻ nào phải bỏ dở việc học chữ.
Những ngày này, vùng cao vẫn rét ngọt. Khi sương sớm còn phủ kín ngọn Phiêng Lủng, cậu bé Sùng Văn Tuấn, lại cùng hàng chục đứa trẻ tập trung ra đầu bản để học online. Đơn giản là ở chỗ này, sóng online mới có dù vẫn đôi khi chập chờn.
Lũ trẻ ngồi học trong những cái lán người lớn dựng nên, mái lợp tôn, lá cọ hay có khi chỉ lợp sơ sài bằng tấm bạt nilon đã cũ, không có vách để ngăn gió lạnh.
"Em phải ra lán đây mới học được vì ở nhà sóng yếu. Học online cũng hiểu nhưng không thể bằng trên lớp được. Với lại, trên lớp em còn có thể học được từ bạn bè nữa, nên học online này chúng em phải cố gắng hơn"- Sùng Văn Tuấn cho biết.
Bản Phiêng Lủng có hơn 30 hộ người Mông, tất cả đều thuộc diện hộ nghèo, thậm chí là đặc biệt khó khăn. Ruộng ít, người dân chủ yếu sống nhờ trồng ngô, trồng rau cải trên nương và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì thế, để hơn 20 đứa trẻ từ cấp 1 đến cấp 3 trong bản vẫn có thể theo dõi được những lớp học online, nhiều gia đình đã phải bán cả dê, lợn, rồi bù cả tiền dành dụm từ bán rau, bán gà mua để điện thoại thông minh. Với họ, chiếc điện thoại là điều tương đối xa xỉ.
Bản Phiêng Lủng nằm lưng núi, cách trung tâm xã Bộc Bố hơn 2 km. Phía trước là nương đá, phía sau lưng là rừng già, sóng điện thoại còn chập chờn chứ nói gì đến mạng 3G, 4G. Nhà này, nhà nọ cùng góp công, góp lá làm lán ra đầu bản cho các con học. Các con ôn bài buổi tối, bố mẹ theo ra lán, ngồi chờ con học đến khuya. Chỉ là củ khoai luộc, cái bắp nướng vội trên bếp lửa... nhưng lại là sự động viên các con không nhỏ.
“Bắt sóng” ở nhà thì yếu, mạng hiện chữ E thôi, có lúc tụt còn không có ấy. Vậy nên là phải mua máy rồi ra dò chỗ nào có sóng, như ở vị trí đầu bản này để các con học. Ban ngày dễ một chút, nhưng khi tối trời, các con đi ra tận ngoài này học rất vất vả, rồi hôm mưa rét nữa. Điều kiện kinh tế gia đình tôi cũng khó khăn mà có tới tận 2 cháu học online, mua được 2 máy cũng rất tốn kém”- anh Sùng Minh Tiến, bản Phiêng Lủng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm cho biết.
Ông Cà Ngọc Pao, Phó Chủ tịch UBND xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm cho biết thêm: “So với trước kia, ý thức của người dân đối với việc học của các con đã nâng lên rõ rệt, lo cho con học hành tốt hơn. Với người dân Phiêng Lủng thì vài ba triệu đồng để mua một chiếc điện thoại là không dễ, nhưng họ đã gom tiền đi bán củ cải, xuống chợ trung tâm bán dê, bán gà để mua máy cho con học. Năm nay trâu bò lại mất giá, khó bán nên bà con cũng rất khó khăn”.
Để các em tiếp thu được bài giảng, các trường cũng phải phân công thầy cô giáo đến tận bản để hướng dẫn thêm. Ở đây, không phải lúc nào sóng 3G cũng có thể ổn định.
“Địa bàn xã Bộc Bố rất rộng, ở nhiều thôn sóng kém hoặc không có sóng như Phiêng Lủng, phụ huynh phải dò sóng rồi làm lán tạm cho học sinh. Giáo viên cũng phải thường xuyên đến hướng dẫn, kiểm tra. Còn những thôn đặc biệt không có sóng, chúng tôi phải cử giáo viên hướng dẫn các em theo nhóm, phân ra tường buổi, từng khối. Ví dụ điểm trường chính có 3 lớp 4, thì riêng nhóm giáo viên khối đó sẽ phân công, thay nhau đi bản hướng dẫn các em theo từng nhóm”- thầy giáo Sằm Văn Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bộc Bố, huyện Pác Nặm nói.
Sóng chập chờn, đôi khi không theo hết được buổi học. Dù vậy, những buổi học ngày mưa, gió lạnh, thậm chí cả buổi tối vẫn có sự tham gia khá đầy đủ của những đứa bé ở Phiêng Lủng. Nhìn cảnh học sinh, phụ huynh buổi tối cùng ngồi bên bếp lửa nhóm vội của những lớp học online mới thấy sự học ở vùng cao dù gian nan nhưng đầy quyết tâm ra sao./.