Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có gần 460 học sinh dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, ở 13 bản thuộc 2 xã biên giới Ma Ly Pho, Huổi Luông theo học. Những năm học trước, nhờ chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng khó của Nhà nước, mỗi học sinh được hỗ trợ gần 600.000 đồng và 15kg gạo/tháng.

Nay địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh không còn được hỗ trợ, khiến nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn khi cho con ra lớp. Chị Tẩn Sa Mẩy, dân tộc Dao, ở bản San Thầu 2, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ chia sẻ: "Nhà tôi rất khó khăn, dịch bệnh COVID-19 trong 3 năm nay, nên thu nhập không có gì hết. Bây giờ cho con đi học, 2 đứa đóng cùng lúc 800.000 đồng và 20kg gạo/tháng, không có đóng góp nên phải đón con về nhà. Sáng thứ 6, con có 1 buổi học, nhà định không cho đi học nữa nhưng con thích và đòi đến lớp".

Cô giáo Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ cho biết: Năm học này, nhà trường có hơn 370 học sinh thuộc diện chuyển từ vùng II, III về vùng I; đồng nghĩa với việc các em không còn được hưởng chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa, giấy vở viết, tiền ăn ở bán trú. Để duy trì sĩ số và đảm bảo chất lượng giảng dạy, đầu năm học nhà trường thống nhất là học sinh ở gần trường hết giờ học sẽ về nhà sinh hoạt với gia đình.

Học sinh nhà ở xa thì gia đình sẽ hỗ trợ cơm mang theo và học sinh có nhu cầu ăn ở bán trú  mỗi em đóng góp 400.000 đồng và 10kg gạo/tháng.

"Năm nay, nhà trường có sự thay đổi về công tác nuôi dưỡng bán trú ở trường trung tâm, chính là chính sách của các con khi mà xã chuyển vùng về khu vực 1 là xã nông thôn mới. Đối với xã khu vực 1 thì không được hỗ trợ chế độ bán trú cho học sinh khi đến trường. Nhà trường cũng đã tuyên truyền và làm công tác tư tưởng đối với phụ huynh và đối với các con ở quá xa không thể đi về trong ngày được thì nhà trường đã tổ chức theo hình thức bán trú dân nuôi", cô Hằng nói.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, năm 2021, trên địa bàn có hai xã Ma Ly Pho, Huổi Luông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, hơn 1.400 học sinh các cấp trên địa bàn không còn được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ như năm học trước.   

Ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ cho biết, trước đây, học sinh thuộc xã khu vực vùng II và III được thụ hưởng nhiều hỗ trợ của nhà nước như: tiền ăn bán trú, sách giáo khoa, học phí… Theo quy định khi các xã thuộc khu vực II và III thoát nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới, các khoản hỗ trợ này sẽ không còn nữa. Không còn chế độ hỗ trợ, khiến các trường gặp nhiều khó khăn, nhất là khoản hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh.

"Khó khăn của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ trong đầu năm học vừa rồi là việc huy động học sinh đến trường. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các xã đến từng hộ gia đình học sinh để giải thích. Và Phòng cũng chỉ đạo các nhà trường thực hiện một cách linh hoạt. Đối với những gia đình khó khăn về tiền mặt hoặc gạo thì nộp các nhu yếu phẩm khác như là rau, bí, củ quả hoặc có thể là chất đốt", ông Hùng cho biết thêm.

Theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu có 29 xã đã thoát khỏi danh mục xã khó khăn và đặc biệt khó khăn do được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này, đồng nghĩa là địa phương có 97 đơn vị trường, với hơn 17.000 học sinh không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như trước đây.

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sát sao, gần gũi với phụ huynh học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn của các gia đình. Từ đó, các trường chủ động tuyên truyền để phụ huynh hiểu; đồng thời lập danh sách báo cáo để Sở tổng hợp, đề xuất với UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách đặc thù, phù hợp, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các em đi học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu nhấn mạnh: "Ngay từ đầu năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát nhưng đối tượng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu mới chuyển từ khu vực III, khu vực II sang khu vực I. Để kịp thời tham mưu chính sách hỗ trợ học sinh, Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với tỉnh, với Trung ương một số chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương; để nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các em có thể tham gia học tập".

Mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng khoảng cách hộ nghèo và hộ thoát nghèo ở nhiều địa phương của tỉnh Lai Châu vẫn rất gần. Vì vậy, để con đường đến trường của con em đồng bào được thuận lợi hơn, rất cần có sự bổ sung chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các trường cần chủ động tuyên truyền để đồng bào không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại./.