Từ nhiều năm nay, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh và những người làm công tác giáo dục. Vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn khi tình trạng ngày càng nhiều trẻ em chọn các trò chơi điện tử trực tuyến có yếu tố bạo lực để giải trí thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, sân chơi cho trẻ vẫn đang là bài toán nan giải cả ở vùng nông thôn và thành phố, nhất là vào dịp nghỉ hè.

san-choi-tre-em.jpg
Sân chơi dành cho trẻ em còn thiếu và yếu (Ảnh minh họa)

Kì nghỉ hè của các em học sinh đã trôi qua gần 2 tháng, song thay vì cho các em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí thì nhiều phụ huynh lại cho con đi học thêm như một hình thức để quản lý con. Lý giải về điều này, nhiều phụ huynh cho rằng: Những năm gần đầy xuất hiện ngày càng nhiều các điểm kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí nhưng lại có rất ít địa chỉ vui chơi, giải trí cho trẻ em được đầu tư xây dựng. Chỉ có hệ thống các cung, nhà thiếu nhi là sân chơi lý tưởng nhất đối với các em nhưng không phải gia đình nào cũng có thể cho con tham gia sinh hoạt. Vì các lớp học ở cung thiếu nhi được tổ chức vào các ngày trong tuần và đó cũng là thời gian phụ huynh bận đi làm nên khó có thể đón con sau buổi học. Thế nên, cho con đi học thêm hoặc để con ở nhà là cách mà nhiều gia đình đã làm.

Một phụ huynh cho biết: “Tôi tranh thủ cho cháu đi học bổ sung trong dịp hè, học thêm các môn văn hóa, Tiếng Anh. Giáo dục bây giờ như thế nên mình cũng phải cho con theo”.

Một người khác góp ý kiến: “Tôi cũng cho cháu đi chơi theo lớp, tổ chức đi thăm quan ở Hạ Long, đi chơi theo cơ quan của bố mẹ, xong rồi ở nhà ông bà trông”.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Trước thực tế này, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã có sáng kiến mở cửa cho học sinh vào vui chơi trong dịp hè. Nhưng xem ra, việc này rất khó thực hiện trong thực tế.

Theo ông Thống: “Thay cho việc các em ra đá bóng ở vỉa hè, lòng đường thì vào trong trường để vui chơi, giải trí. Tính về mặt lý thuyết là thế nhưng trên thực tế khi làm lại phát sinh một loạt vấn đề. Ví dụ các cháu vào đây đá bóng vỡ kính, thì bắt đền ai. Trong trường học, nghỉ hè thì các thầy cô đi tập huấn, làm tuyển sinh. Chúng tôi nói một đóng một mở là mạnh dạn mở cửa trường cho học sinh vào sinh hoạt nhưng cơ chế quản lý kèm theo lại không có. Cơ chế đó phải từ Trung ương, tức là yêu cầu các trường như một điểm sáng văn hóa, tham gia trong 3 tháng hè cùng với các địa phương đảm bảo chỗ chơi cho học sinh”.

Ở thành phố là vậy, còn ở các vùng nông thôn, mỗi dịp hè, lại có những cái chết thương tâm của trẻ em bị đuối nước mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sân chơi, thiếu sự quản lý.

Ông Đào Đình Anh- Trưởng ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Điểm vui chơi thường chỉ được đầu tư tại các đô thị lớn và hoạt động vì mục đích lợi nhuận, giá dịch vụ khá cao nên khả năng tiếp cận của trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa rất hạn chế. Từ thực tế đó, thời gian qua, ngân sách Nhà nước đã đầu tư để phát triển hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em khu vực nông thôn, miền núi. Nhưng xem ra, việc quản lý các điểm vui chơi này lại đang gặp khó khăn.

Ông Đào Đình Anh nêu thực tế: “Trước đây có chương trình mục tiêu cấp cho mỗi điểm vui chơi trẻ em ở cấp huyện khoảng 200– 300 triệu đồng nhưng sau 2 năm tất cả các điểm này đều bỏ, cỏ mọc và cuối cùng phải phá hết. Những ngày mới đầu các em đang háo hức, đòi bố mẹ đưa đến và khoảng 1 tháng đầu còn có trẻ em đến chơi. Nhưng hết tháng đó, trẻ em chán các trò chơi đó. Khi trung tâm văn hóa huyện quản lý cũng không có kinh phí tu dưỡng, không có con người. Cuối cùng đóng cửa, phơi mưa phơi nắng”.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thừa nhận: Qua thực tế đi giám sát tại các địa phương cho thấy, muốn quản lý sử dụng tốt các cơ sở văn hóa, vui chơi cho trẻ em thì phải có cán bộ để hướng dẫn, tổ chức các hoạt động vui chơi này. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống chính sách về vấn đề này chưa có.

Bà Ngô Thị Minh nói: “Những cán bộ đứng ra tổ chức hoạt động hè cho các em họ đều nói họ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Toàn các tổng phụ trách ở các trường về, phải đi đêm hôm tổ chức cho các em, hết hè họ lại phải vào các nhà trường. Như vậy chính sách có phù hợp không khi mà chúng ta cứ quy hoạch, đầu tư, nhưng trong quy hoạch tổng thể chúng ta không tính đến cán bộ tổ chức các hoạt động vui chơi tại các thiết chế văn hóa này”.

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em. Song với tình trạng thiếu quỹ đất để xây dựng khu vui chơi, thiếu cơ chế, chính sách để quản lý, sử dụng các khu vui chơi thì mục tiêu này khó đạt được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Chỉ khi có được những sân chơi an toàn, lành mạnh mới tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện./.