Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang gia tăng ở mức báo động những năm gần đây. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc quan tâm, chăm sóc, quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội đối với trẻ chưa sâu sát; trẻ không được vui chơi giải trí lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất và nhân cách, do đó trẻ không làm chủ được bản thân, định hướng sai lệch trước tác động mạnh mẽ của “thế giới” Internet, các ấn phẩm văn hóa phẩm độc hại, trò chơi bạo lực…

Trong một kỳ họp Quốc hội, ông Võ Văn Thưởng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn từng chỉ ra rằng, có mối liên hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ gia tăng tội phạm trong thanh thiếu niên với việc thiếu những nơi vui chơi, giải trí của lứa tuổi này, cũng như thiếu những công cụ để giáo dục thanh thiếu niên một cách toàn diện.

Thực tế đã chứng minh rằng, việc tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh chính là giúp các em có điều kiện hoàn thiện mình và tránh xa được các nguy cơ tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ như ma túy, bạo lực học đường, nghiện game online…

cau-ca.jpg

Có quá ít trò chơi lành mạnh dành cho trẻ em

Hiện nay ở các thành phố lớn trong khi các khu cao ốc, trung tâm thương mại “mọc lên như nấm”, thì lại quá ít những địa chỉ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em được đầu tư xây dựng. Vì thế, những dịp lễ, tết, ngày nghỉ, những địa chỉ vui chơi hiếm hoi của trẻ thường quá tải, thế nhưng hầu hết những nơi này thường bị xuống cấp nghiêm trọng, giá vé đắt đỏ, các trò chơi nghèo nàn, không gian bị chiếm dụng để kinh doanh…

Việc thiếu trầm trọng những sân chơi lành mạnh cho trẻ dẫn đến tình trạng nhiều em chọn quán Internet, những tụ điểm phức tạp làm “sân chơi”. Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều em hư hỏng, bỏ học để đi chơi, tụ tập đánh nhau, quay clip tung lên mạng để “khẳng định bản lĩnh cá nhân” hay có thể ngồi lì trong quán game online hết ngày này sang ngày khác… đều thấy có lý do vì các em thiếu những điểm vui chơi lành mạnh, hấp dẫn.

Có thể dẫn chứng: Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, nhiều vụ có tính chất nguy hiểm, thậm chí tử vong; một số học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn rồi quay lip tung lên mạng; tình trạng trẻ em bỏ học hoặc trốn học tụ tập thành “băng, nhóm”, sử dụng hung khí gây ra không ít vụ án nghiêm trọng đang là mối quan ngại của toàn xã hội. Hầu hết những em này khi được hỏi đều trả lời do bắt chước những nhân vật “siêu nhiên” trong thế giới game, không có sự định hướng của người lớn hoặc chẳng có trò chơi gì bên ngoài nên “đành” vào quán Internet “giải trí” với những “trò chơi đen”…

Bên cạnh đó, việc thiếu những nơi vui chơi giải trí nên hiện tượng trẻ em xuống lòng đường đá bóng, thả diều dễ gây tai nạn giao thông, hoặc rủ nhau đi tắm ở sông suối, ao hồ dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm xảy ra thường xuyên trong dịp hè.

Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cũng thừa nhận: Để trẻ tìm đến các trò chơi game bạo lực là lỗi ở người lớn. Khi chúng ta không đáp ứng được nhu cầu vui chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe cho trẻ thì chúng sẽ tìm đến các trò chơi về tinh thần. Không cho trẻ ra ngoài đường, thì trẻ chỉ biết xem TV, chơi trò chơi điện tử. Việc chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về việc vui chơi của trẻ sẽ làm cho trẻ phát triển không toàn diện. Một bộ phận trẻ sẽ bị phát triển lệch lạc vì ảnh hưởng từ các trò chơi bạo lực.

Vui chơi giải trí là một nhu cầu văn hóa không thể thiếu của con người, đặc biệt đối với trẻ em. Các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh rèn luyện cho trẻ những phẩm chất cơ bản về trí tuệ, đạo đức, thể chất theo quy luật của cái đẹp. Trong quá trình phát triển của trẻ, hoạt động vui chơi giải trí đóng vai trò không kém phần quan trọng so với các hoạt động thiết yếu khác như bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ… “Học mà chơi, chơi mà học” đã trở thành phương châm giáo dục đối với lứa tuổi các em.

Là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990, thế nhưng “thế giới ngày mai” của chúng ta vẫn “khát” những địa chỉ vui chơi lành mạnh, bổ ích, mang tính giáo dục để các em được phát triển toàn diện.

Năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ tổ chức Tháng hành động vì trẻ em (bắt đầu từ 1/6) với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” nhằm mục đích phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh; trẻ được quyền vui chơi, giải trí để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

“Hãy dành cho trẻ em những sân chơi an toàn, lành mạnh” là một trong những khẩu hiệu truyên truyền trong Tháng hành động này. Tuy nhiên, để khẩu hiệu trên trở thành hiện thực và không chỉ bó hẹp trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay mới là điều quan trọng./.