Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức Hội thảo “Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam” tại Hà Nội ngày 27/10.

Hội thảo nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá hiệu quả cho hình ảnh của ngành thực phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn NaFoods chia sẻ, mặc dù đã hội nhập sâu rộng nhưng đến nay các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường.

“Cụ thể là mặt hàng rau củ quả, phần lớn chưa được đưa vào chế biến mà chỉ qua sơ chế hoặc xuất thô, chủ yếu thuộc 3 dạng là đồ hộp, nước trái cây và trái cây sấy khô. Nếu biết tích hợp chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, tăng năng suất thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Cùng với đó, doanh nghiệp phải tự thân vận động, tự vươn lên và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mình,” ông Kiên nói.

thuc_pham_viet_buse.jpg
Hội thảo “Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam” tại Hà Nội ngày 27/10.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp phải tự thân vận động vì chính doanh nghiệp mới cứu được doanh nghiệp. Đối với quốc gia chỉ xây dựng được thương hiệu quốc gia. Đối với doanh nghiệp thì phải tự xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp ấy.

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam có nhiều tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có tăng lên hay không phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm phát triển như thế nào.

Do vậy, để tạo thương hiệu cho ngành công nghiệp thực phẩm  thì các doanh nghiệp cần đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại để đạt độ tự động hóa cao, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, vấn đề nghiên cứu thị trường cần được mở rộng, đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với khẩu vị, tập quán của từng thị trường, khách hàng. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cần gắn với hoàn thiện kênh phân phối.

Về chiến lược hỗ trợ phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam trong thời gian tới, ông Tạ Hoàng Linh cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nông lâm thủy sản và công nghiệp thực phẩm thông qua các hoạt động của chương trình xúc tiến thương hiệu quốc gia, hoạt động này bao gồm các công việc cung cấp thông tin về thị trường, đào tạo cho các doanh nghiệp hiểu biết thêm về thị trường, cách giao dịch với thị trường, tham gia hội chợ triển lãm nước ngoài. Do đó với những doanh nghiệp có năng lực thật sự chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó ra nước ngoài trong các đoàn giao thương hoặc trong các chương trình hội chợ triển lãm”./.