Hai năm trở lại đây, vào mùa mưa lũ, nước sông Ba dâng cao, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại các khu vực ven sông thuộc xã Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa. Mỗi lần có lũ lớn, kết hợp với xả lũ từ các thủy điện ở thượng nguồn, dòng nước hung dữ gây sạt lở, ăn sâu vào đất ven bờ từ 5-7m. Năm này qua năm khác, khu vực bị xâm thực ngày càng rộng.
Ông Nguyễn Văn Phúc ở thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây cho biết, nước sông ăn vào đất đai trồng trọt của người dân khoảng 100m. Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng nhưng người dân đành bất lực: “Hồi trước, tôi làm ở xa ngoài kia, khoảng trên 100m, nhưng dần dần nó lở hết, nay tôi bỏ trồng hoa màu, vì lở vô sát đây rồi. Mong chính quyền cấp trên giúp đỡ kè để bớt lở, chứ giờ thôn này sắp sửa lở hết rồi”.
Sông Ba đoạn qua huyện Phú Hòa bị sạt lở nghiêm trọng |
Còn ông Nguyễn Tấn Lộc (ở thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa) cũng lo lắng trước nạn sạt lở. Bây giờ mép sông đã tiến sát tới khu dân cư, đường sá đi lại của người dân. Ông Lộc than thở, mất đất, mất đường đi, mất nhà cửa, làng xóm đang là nỗi lo cánh cánh của người dân: “Từ ngoài sông vô đến đường cái chỗ nào gần nhất chỉ 20m trở lại chứ không có hơn. Lở như vậy thì chăn nuôi, với gần đường cái, làm ảnh hưởng đến bà con, làng xóm”.
Thống kê chưa đầy đủ, tình trạng sạt lở ven sông Ba đang uy hiếp đến cuộc sống của 70 hộ dân ở xã Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa. Đây là nơi sạt lở nghiêm trọng nhất trong số các điểm đang sạt lở trên địa bàn huyện. Để hạn chế sạt lở, xây kè bê tông kiên cố là giải pháp hữu hiệu nhưng chưa thể thực hiện vì thiếu kinh phí. Trước mắt, chính quyền địa phương mới chỉ dừng lại ở việc vận động người dân đóng cọc tre; dùng rọ đá, ngăn chặn tình trạng sạt lở.
Nhiều đoạn sông Ba bị sạt lở |
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, sạt lở là vấn đề đặc biệt cấp bách, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân Phú Hoà.
“Trên địa bàn huyện Phú Hòa có rất nhiều điểm sạt lở ven sông Ba, cần sớm được đầu tư sửa chữa. Đã có 40 hộ dân phải di dời vào phía núi để định cư, xóm ở trên đó cũng hoàn toàn bị xóa sổ. Đối với thị trấn Phú Hòa, xâm thực cũng mất đi từ 5-7 ha đất sản xuất 2 vụ lúa”, ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết./.
Hàng trăm hộ dân ở Quảng Ngãi nằm trong vùng sạt lở núi
Dân sợ hãi di cư do sạt lở bờ biển ở Thừa Thiên – Huế
Sạt lở ở Quảng Nam “uy hiếp” cuộc sống người dân