Tại tổ 1, thôn Trà Veo, xã Trà Xinh, huyện miền núi Tây Trà vừa xuất hiện một vết nứt núi dài khoảng 700 mét, đe dọa đến tính mạng và tài sản của 33 hộ dân.
Vết nứt này được người dân phát hiện từ năm 2013 và đã thông báo cho chính quyền địa phương.
Hàng năm, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, theo dõi vết nứt để chủ động di dời dân nằm trong vùng nguy cơ sạt đến nơi ở tạm.
Ông Hồ Văn Thuê, Trưởng ban Mặt trận thôn Trà Veo, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà cho biết, người dân sống trong vùng sạt lở núi tại xã Trà Xinh rất lo lắng, nhất là mùa mưa bão đã đến.
“Vết nứt này xuất hiện lâu rồi, cũng đề nghị các cấp di dời các hộ dân nhưng đến nay chưa được di dời. Mùa mưa thì phải đi vận động người dân di dời xuống ủy ban xã ở tạm”, ông Thuê cho biết.
Hiện nay, tại huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) xuất hiện 3 điểm nguy cơ sạt lở núi đe dọa đến đời sống 270 hộ dân, với hơn 1.200 nhân khẩu tại 3 xã Trà Phong, Trà Thanh và Trà Xinh.
Đối với những điểm sạt lở này, huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng phương án chủ động di dời người dân đến nơi ở tạm khi có bão, lũ xảy ra.
Sau khi kiểm tra tình hình sạt lở tại huyện miền núi Tây Trà, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý chính quyền địa phương phải cử người thường xuyên kiểm tra, nhất là khi có mưa bão phải nhanh chóng tổ chức di dời dân đến nơi ở tạm an toàn.
“Đối với huyện Tây Trà do địa hình, địa chất, do thay đổi về rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng, độ dốc lớn nên sạt trượt thường xuyên xảy ra. Xác định đây là vấn đề ứng phó, chúng ta chỉ chuyển dân đối với những thời điểm dự báo thời tiết bất lợi, có mưa bão ảnh hưởng đến vấn đề sạt lở; phải có phương án di dân để đảm bảo an toàn tính mạng cho con người là trên hết”, ông Nguyễn Tăng Bính nhấn mạnh./.
Sống giữa thành phố Tuy Hòa, người dân lo sợ sạt lở núi
Lai Châu sạt lở núi, 1 người chết và 4 người bị thương nặng
Ấm lòng người dân vùng sạt lở núi Sáng Tùng