Bác Hồ từng khẳng định thanh niên là “rường cột nước nhà” là lực lượng tiên phong trong sự phát triển của xã hội. Bằng sự năng động, sáng tạo, thanh niên đã tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2015), cùng lắng nghe chia sẻ của một số đoàn viên, thanh niên về công tác Đoàn và vai trò, trách nhiệm của họ trong thời kỳ mới.
Làm tốt hơn công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên
3 năm gắn bó với các hoạt động phong trào đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở trường ĐH Ngoại thương, Nguyễn Xuân Cường nhận thấy một số phong trào, cuộc vận động do tổ chức Đoàn triển khai hiện nay còn có những hạn chế nhất định, chưa thu hút được đông đảo ĐVTN tham gia.
Cường cho biết: “Chúng ta hãy thử đặt ra một câu hỏi: tại sao một số hoạt động mà Đoàn thanh niên tổ chức lại chưa được sinh viên hưởng ứng một cách nhiệt thành cho dù đó là tổ chức cho họ? Đây không phải là vấn đề của riêng một cán bộ Đoàn nào cả, mà là vấn đề chung của công tác Đoàn. Thử nhìn lại nội dung tổ chức của chúng ta xem có thiết thực với sinh viên chưa? Đã thực sự phổ biến cho toàn thể sinh viên chưa? Phương thức tổ chức hoạt động đã hấp dẫn chưa?,... Và rất nhiều câu hỏi nữa. Tính chuyên nghiệp sẽ giúp chúng ta giải quyết những câu hỏi này”.
Để phong trào Đoàn gần gũi hơn với sinh viên, thanh niên, theo Cường, mỗi tổ chức cơ sở Đoàn cần làm tốt hơn nữa công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động cũng như phát huy tính sáng tạo trong tổ chức thực hiện mô hình, sáng kiến của ĐVTN.
Tổ chức Đoàn cần quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục toàn diện sinh viên, thanh niên hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu tình hình mới. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền giáo dục cho thanh niên thấy rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của họ trong giai đoạn hiện nay, từ đó thanh niên sẽ có những chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động.
“Tôi thấy rằng, trong các giờ sinh hoạt, giáo dục, tuyên truyền thanh niên, thay vì đọc những bài diễn văn dài lê thê, hãy lồng ghép các hoạt động "động", trình chiếu clip hoặc các hình ảnh liên quan đến chủ đề cần tuyên truyền. Đoàn cần tổ chức thêm nhiều các hội thi tìm hiểu, giao lưu văn hóa văn nghệ không chỉ trong cơ sở mà còn giao lưu với nhiều cơ sở khác”, Cường chia sẻ.
Phạm Thu Liên-Sinh viên năm thứ 2-Đại học Ngoại thương cũng cho rằng những năm qua, hoạt động Đoàn đã góp phần giáo dục, định hướng ĐVTN sống đẹp, sống có ích. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động, Đoàn còn tồn tại một số bất cập, còn nặng về hình thức, hoạt động rời rạc, chưa phải là lựa chọn đầu tiên và duy nhất đối với các bạn trẻ.
Để tổ chức Đoàn Thanh niên trong các trường học phát huy được vai trò, thế mạnh của mình, trước hết cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo nhà trường, hội phụ huynh học sinh, Đoàn thanh niên địa phương... Các cán bộ Đoàn trường dù là chuyên trách hay kiêm nhiệm phải là những thầy giáo, cô giáo trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm hay những học sinh, sinh viên gương mẫu, học giỏi, năng nổ, sẵn sàng cống hiến cho tổ chức Đoàn. Đồng thời, họ phải được đào tạo về những kỹ năng căn bản trong công tác lãnh đạo, tổ chức các hoạt động của thanh niên.
Nhắc đến trách nhiệm của mình đối với công tác Đoàn hiện nay, Thu Liên tâm sự: “Là một đoàn viên thanh niên thời kỳ mới, tôi tự nhận thức rằng ngoài việc không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa, còn phải thực hiện các nội dung chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới theo các tiêu chí rèn luyện và hành động. Bên cạnh đó, tôi nghĩ mình cần phải tham gia xây dựng môi trường văn hóa học đường, trung thực, đấu tranh chống lại hành vi tiêu cực trong học tập, phấn đấu trở thành thanh niên thời đại mới có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”.
Để phong trào thành công cần có thủ lĩnh xuất sắc
Quan tâm tới vai trò của người thủ lĩnh cơ sở Đoàn, Lê Chi Mai-sinh viên năm nhất, trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận thấy, muốn phong trào Đoàn thành công phải có người cán bộ Đoàn tâm huyết, xác định rõ tư tưởng hoạt động không nhằm tư lợi cá nhân.
Bởi hiện nay, nhiều cán bộ, thủ lĩnh Đoàn chưa trải qua hoạt động đã phải nhận nhiệm vụ điều hành, do thiếu kinh nghiệm dẫn đến hoạt động rời rạc, không thu hút thanh niên tham gia. Nhiều cán bộ Đoàn chưa thực sự trở thành tấm gương sáng cho các ĐVTN khác noi theo.
Do đó, muốn phong trào thành công cần có thủ lĩnh xuất sắc. Cán bộ Đoàn phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, là những người có thành tích toàn diện không chỉ trong học tập, mà còn trong các hoạt động khác để các ĐVTN trẻ tin tưởng noi theo và "cháy" hết mình với phong trào. Người thủ lĩnh Đoàn cũng phải xây dựng được nội dung, các hoạt động mang lại lợi ích cho sinh viên, hiệu quả thiết thực cho xã hội, tạo được sân chơi lành mạnh thu hút thanh niên tham gia.
Ở khía cạnh khác, Chi Mai cũng thấy rằng từ thực tế hoạt động trong các phong trào Đoàn, “kỹ năng mềm” của sinh viên hiện nay còn hạn chế. Các bạn ĐVTN trong trường không được trang bị nhiều kỹ năng sống, còn nhiều bạn sống khép mình, phần lớn dành nhiều thời gian cho học tập, không quan tâm tới các hoạt động tập thể xung quanh. Đặc biệt là sinh viên năm nhất, khi rời ghế nhà trường THPT vẫn chưa kịp làm quen với môi trường học tập mới ở bậc ĐH khiến các bạn cảm thấy tự ti về bản thân, lạc lõng không hòa nhập được với tập thể.
Chi Mai cũng mong rằng, Đoàn nên tổ chức các buổi giao lưu, tập huấn về “kỹ năng mềm” như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống; làm việc nhóm; làm việc độc lập; thuyết trình; truyền đạt thông tin… cho sinh viên, nhằm giúp các bạn ĐVTN chuẩn bị những hành trang tốt nhất để bước vào hội nhập.
“Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên trường tổ chức nhiều hơn nữa hoạt động thực hành “kĩ năng mềm” lồng ghép vào các hoạt động, phong trào tập thể trong những buổi học tập, sinh hoạt ngoại khóa của các lớp sinh viên… Bởi một khi ĐVTN có định hướng đúng, sẽ sống đúng và làm đúng”./.