Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Nguyễn Phương Quang, xã Phú Nghĩa, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội quyết định lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương bằng nghề làm thủ công truyền thống mây tre đan. Năm 2008, anh đã thành lập cơ sở sản xuất mây tre đan Việt Quang.
Sau gần 5 năm hoạt động, đến nay, cơ sở kinh doanh các sản phẩm mây tre đan của anh đã đạt mức doanh thu ổn định mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, gần 100 lao động làm việc tại đây có mức thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng.
Anh Quang rất trân trọng những đồng vốn khởi nghiệp của mình: “Tôi làm kinh tế hộ gia đình nên ban đầu nguồn vốn thiếu. Từ khi nhận được sự quan tâm của Xã đoàn, Huyện đoàn giới thiệu cho vay 300 triệu bên ngân hàng chính sách. Từ nguồn vốn đó tôi mở rộng sản xuất, mua sắm thêm trang thiết bị, phương tiện vận tải rồi nguyên vật liệu để sản xuất rất hiệu quả. Từ đấy nâng cao thu nhập và giải quyết được nhiều việc cho đoàn viên thanh niên trong thôn, xã”.
Không chỉ có mô hình sản xuất kinh doanh của anh Nguyễn Phương Quang, mà ở huyện Chương Mỹ còn có nhiều mô hình khác như: trồng hoa chất lượng cao, trồng nấm, trồng rừng, sinh vật cảnh hay phát triển nghề thủ công truyền thống đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giúp đoàn viên thanh niên nghèo vươn lên làm giàu.
Anh Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đoàn xã Minh Khai, huyện Từ Liêm – Hà Nội cho biết: 10 năm qua, Đoàn xã duy trì được 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 52 thành viên, tổng dư nợ lên đến 900 triệu đồng. Đây chính là cơ hội để tạo đà cho đoàn viên thanh niên tích cực sản xuất. Tuy nhiên, là đơn vị được ủy thác sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách thì cơ sở đoàn cần đảm bảo uy tín cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho đoàn viên thanh niên.
Nguồn vốn vay ủy thác thông qua đoàn thanh niên còn giúp nhiều thanh niên nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế. Anh Phùng Đức Quân, Bí thư Đoàn xã Vật Lại, huyện Ba Vì chia sẻ: Với đặc thù là xã miền núi, điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, việc thu hút đoàn viên thanh niên còn nhiều bất cập. Nhưng từ khi có chương tình tín dụng thông qua đoàn thanh niên, đến nay, xã đã thành lập được 2 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 45 hộ vay, trong đó có gần chục hộ thanh niên nghèo với dư nợ vay gần 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, anh Quân cho rằng, để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn thì vẫn cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ chính quyền, đặc biệt từ ngân hàng để thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Anh Phan Thanh Tùng, Bí thư Đoàn xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh cho biết: Địa phương sản xuất nông nghiệp chiếm tới 70%. Hiện, Ban chấp hành Đoàn xã quản lý số dư nợ từ nguồn vốn vay ủy thác lên tới 1 tỷ 850 triệu đồng. Điều quan trọng, công tác đoàn cần bám sát cơ sở, sâu sát tới từng đoàn viên thanh niên, nhất là tạo điều kiện về mọi mặt để mỗi đoàn viên phát huy được tính chủ động, tinh thần lao động, cống hiến cho xã hội.
Tính đến hết năm 2012, có 21/29 cơ sở đoàn quận, huyện, thị xã của Hà Nội thành lập được Tổ tiết kiệm và vay vốn, với số dư nợ lên đến trên 80 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang giúp hàng nghìn đoàn viên thanh niên có vốn để tăng gia sản xuất.
Vai trò của Đoàn thanh niên đã và đang thực sự phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương./.