Chiều nay (17/2), Ủy viên Bộ chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã đến khảo sát, kiểm tra tình hình hạn, mặn tại tỉnh Hậu Giang.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang: Kết quả quan trắc của ngành chuyên môn vào thời điểm trước Tết Nguyên đán cho thấy, độ mặn tại cống Ba Cô, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ ở mức hơn là 11%o; ngã ba sông Nước Trong, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh là 12%o.

nguyen_xuian_phuc_qrhh.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người dân ở vùng bị nước mặn xâm nhập

Nếu so với các năm trước, độ mặn 12%o chỉ bắt đầu xuất hiện vào tháng 4, nhưng năm nay mới bước vào tháng 2, mặn đã tăng cao bất thường. Điều này, báo hiệu xâm nhập mặn sẽ gay gắt hơn vào khoảng thời điểm tháng 3, tháng 4 sắp tới. Điều đáng lo là năm nay nước mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh Hậu Giang không còn theo quy luật các năm trước là đi theo hướng biển Tây từ Kiên Giang qua, mà còn xâm nhập từ hai hướng khác là từ cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào kênh xáng Cái Côn và theo hướng kênh Quản lộ- Phụng Hiệp.

Theo nhận định, vào những ngày tới, nồng độ mặn sẽ tiếp tục tăng khi tình trạng nắng nóng kéo dài cộng với mực nước trên sông Mê Kông đang xuống thấp kỷ lục, thêm vào đó là gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đẩy nước mặn từ biển Đông và biển Tây lấn sâu vào nội đồng, lúc đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân ở tất cả các địa phương trong tỉnh. sẽ bị ảnh hưởng mặn nghiêm trọng.

Để ứng phó với tình hình trên, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo cho các địa phương tiến hành nạo vét 145 tuyến kênh với chiều dài 300km, đắp 240 đập thời vụ và tiến hành gia cố hệ thống đê bao. Đồng thời tập trung tuyên truyền để người dân tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của ngành chức năng trong phòng chống hạn, mặn. Riêng  dự án đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ có chiều dài hơn 70km đi qua địa phận thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn đầu tư của công trình hơn 688 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngoài tạo điều kiện tháo úng, rửa phèn cho trên 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hình thành một hành lang giao thông liên hoàn, nó còn đảm nhận vai trò chống sự xâm nhập mặn và các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ở các xã nằm vùng ven sông Cái Lớn của tỉnh.

Theo kế hoạch, dự án thực hiện từ năm 2009-2015, thế nhưng đến nay còn 30km chưa hoàn thành do thiếu vốn đầu tư. Tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn để địa phương hoàn thành tuyến đê bao ngăn mặn này.

Sau khi trực tiếp khảo sát và nghe tỉnh Hậu Giang báo cáo, Ủy viên Bộ chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo địa phương tập trung triển khai các giải pháp cấp bách để phòng chống hạn, mặn nhằm đảm bảo tốt đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong tỉnh thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý để tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai thực hiện đoạn còn lại của tuyến đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ nhằm ngăn mặn từ biển Tây bảo vệ diện tích đất canh tác ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy và Thành phố Vị Thanh./.