Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng nay (25/7), ông Võ Kim Cự, ĐBQH Hà Tĩnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc cấp phép cho Formosa hoạt động 70 năm tại địa phương này là đúng theo quy định của pháp luật. Còn để xảy ra sự cố xả thải gây ô nhiễm biển, khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung là từ phía Formosa.

Cấp phép và xả thải là 2 việc khác nhau!

Ông Võ Kim Cự cho biết: Việc ký Giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa là đúng luật. Đúng theo Nghị định 108, Nghị định 72 của Thủ tướng, đặc biệt đúng Luật Đầu tư và Luật Đất đai. Thời gian kéo dài 70 năm cũng vậy, đúng theo điều 34 của Luật Đầu tư và điều 67 Luật Đất đai đối với những dự án lớn, vốn lớn và thu hồi chậm, nằm trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì được hưởng các ưu đãi về thời gian, đất, chính sách khác.

vo_kim_cu_dguu.jpg
Ông Võ Kim Cự trả lời báo chí tại Quốc hội

“Có quyết định hẳn hoi, có điều khoản quy định rõ ràng. Hà Tĩnh không thể tự đặt ra được, đồng thời đảm bảo đúng quy trình. Tức là khi nhà đầu tư có yêu cầu tỉnh đã báo cáo Chính phủ xin ý kiến. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý, sau đó giao cho các Bộ, ngành cùng địa phương làm hướng dẫn, quy trình, thẩm định của tất cả các Bộ ngành liên quan. Hiện nay văn bản còn nguyên vẹn đây cả” – ông Võ Kim Cự khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh: “Việc để xảy ra vi phạm là vấn đề của môi trường. Cho nên việc cấp phép và vi phạm về môi trường là 2 vấn đề rất khác nhau. Cụ thể, việc thực thi từ Formosa là vi phạm và chúng ta đã và đang xử lý. Chúng tôi đang đề nghị xử lý nghiêm túc, tiếp tục giám sát chặt chẽ. Còn Formosa không thực hiện nghiêm, không thay thế công nghệ, thậm chí thay đổi cả thiết bị thì phải kiến nghị thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Thậm chí dừng, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, phạt, bồi thường toàn bộ, trả lại mặt bằng bình thường như trước đây”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định điều này trong thẩm quyền của chúng ta, vì Formosa hoạt động trên đất nước ta. Ông cũng lấy làm tiếc vì hậu quả đã “gây tâm tư cho bà con”. Chính phủ cũng như các địa phương đã tích cực, chủ động làm trước khi Formosa chưa thực hiện đền bù. Nay ta yêu cầu và kiên quyết buộc họ phải đền bù. Trước hết ưu tiên bà con ổn định đời sống, sớm trở lại hoạt động bình thường, không những trước mắt mà cả lâu dài.

Ai chịu trách nhiệm chính vụ Formosa?

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cá nhân, tổ chức trong vụ việc này, ông Võ Kim Cự nói: “Thông tin tôi có được là Sở Tài nguyên môi trường Hà Tĩnh đã mấy lần kiểm tra. Tôi có hỏi, anh em nói đã qua mấy lần kiểm tra và Formosa chấp hành được. Vì thế, việc kết nối quan trắc ở nơi đó với Tổng cục Môi trường có vấn đề về mặt kỹ thuật. Vi phạm là do thiết bị, công nghệ, không phải do con người!”.

Còn trách nhiệm thuộc về ai, cần phải qua kiểm tra cụ thể từ cơ quan chức năng, không thể phát biểu cảm tính được. Điều này Chính phủ đã chỉ đạo và đang làm quyết liệt. Trung ương cũng có chủ trương; các Bộ ngành vào cuộc nghiêm túc, khách quan, quyết liệt và cũng phải dứt điểm sớm. Vì để kéo dài sẽ không hay. Nếu như bất kỳ ai, cá nhân nào vi phạm phải xử lý theo pháp luật.

Tại sao Hà Tĩnh chọn Formosa?

Theo ông Võ Kim Cự, thời điểm đó có 2 nhà đầu tư muốn vào Hà Tĩnh. Qua “chấm điểm”, thấy nhà đầu tư nào cao điểm hơn, đạt cả về kinh tế, quy mô thì chọn; đặc biệt, đơn vị nào liên quan đến mỏ, khoáng sản phải dừng.

Ông Võ Kim Cự: "Thông tin chôn lấp chất thải khiến tôi rất bức xúc!"

Trước câu hỏi “Formosa đã có tiền sử là đến đâu gây ô nhiễm đến đó, sao Hà Tĩnh vẫn chọn?”, ông Võ Kim Cự bày tỏ: “Văn bản của tôi đang còn đây, hồ sơ đang còn nguyên. Sau này ta mới nói (như câu hỏi đề cập – PV). Chưa có Bộ nào nói không đồng ý Formosa, hay nói Formosa có vấn đề môi trường”.

Lý giải về việc cấp phép cho Formosa rất nhanh chóng, chỉ có 6 tháng, ông Võ Kim Cự lý giải: “Ở đây không có gì đặc biệt, phải theo luật, trình tự và đúng bước đi, quy định của luật pháp. Việc cấp phép không bỏ qua bất kỳ giai đoạn nào. Nếu để kéo dài quá cũng có vấn đề vì chúng ta đang cải cách hành chính mạnh mẽ. Với Formosa, chúng ta không rút ngắn thời gian, trình tự vẫn đủ, có ý kiến của tất cả các Bộ ngành liên quan. Không quan trọng nhanh chậm, quan trọng là chất lượng, trách nhiệm của hội đồng thẩm định và người ta làm việc tăng thêm thời gian, năng suất, phương pháp làm việc tốt hơn thì vẫn đảm bảo điều kiện”.   

Về việc liên tiếp phát hiện hàng ngàn tấn chất thải được chôn lấp trái phép tại Hà Tĩnh thời gian gần đây, ông Võ Kim Cự phân tích: Trước hết có phần sai phạm của Formosa, bởi quy định họ có một khu vực xử lý thải riêng. Còn để lọt ra ngoài là do một số cá nhân tự ý thu gom, đưa về đổ chôn lấp trong trang trại. Vi phạm này cần xử lý nghiêm từ cả 2 phía. Ở đây có trách nhiệm của chính quyền cấp xã, huyện, tất nhiên có cả cấp tỉnh.

“Mấy hôm nay tôi nghe thông tin đó, nói thật cũng rất bức xúc, không thể chấp nhận hành vi như vậy được, dù số lượng lớn, nhỏ. Tôi phản đối cái này và đề nghị xử lý nghiêm và tiếp tục kiểm tra xem còn ở đâu nữa không? Nếu phát hiện, cần xử lý nghiêm hơn để phát triển bền vững, không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá” – ông Võ Kim Cự nói./.