Thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 tại phiên làm việc của Quốc hội sáng 25/7, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, vài năm trở lại đây, môi trường là vấn đề hết sức bức xúc, cụm từ Formosa được nhắc đi nhắc lại.

Sự cố môi trường, có vụ gọi là thảm hoa môi trường như vụ Formsa làm cho bộ phận lớn cử tri rất băn khoăn, bức xúc. Có nhiều người là cán bộ công chức về hưu, lão thành cách mạng và cả những người đương chức có ý kiến với ông rằng cần hành động.

“Mấy tháng qua người có lòng yêu nước, quan tâm vận mệnh quốc gia hết sức băn khoăn, lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên” – ông Nghĩa nói và thắc mắc trong các chuyên đề giám sát trình Quốc hội không có cụm từ “môi trường”.

truong_trong_nghia_14_iqjp.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu trên Hội trường sáng 25/7

“Tôi đề nghị có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường. Từ đó chọn lựa đi giám sát ở đâu, có nhiều ý kiến cử tri cho rằng cần giám sát toàn bộ dự án Formosa vì có thuận lợi là dự án chưa bắt đầu” – đại biểu Nghĩa nêu ý kiến.

Về vụ Formosa, đại biểu đánh giá Chính phủ vào cuộc, nỗ lực và đạt được kết quả ban đầu được nhân dân hoan nghênh và Chính phủ đang tiếp tục xử lý. Nhưng Nghị quyết XII nói có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước nên “Chính phủ cứ làm việc của Chính phủ, còn cử tri nhân dân mong muốn Quốc hội làm việc của Quốc hội”.

“Người ta đặt câu hỏi là tại sao cho đến nay chưa thấy ĐBQH ở miền Trung và Uỷ ban của Quốc hội có ý kiến gì. Chí ít là có thông tin dự kiến làm gì, vì với nhận thức cử tri đó là vấn đề rất nghiêm trọng”- vị đại biểu đoàn TPHCM cho biết và nhấn mạnh, sự vào cuộc của Quốc hội sẽ tiếp thêm sức mạnh với Chính phủ, phù hợp với đường lối của Đảng, đáp ứng nguyện vọng, tâm tư cử tri, của nhân dân.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị cần có giám sát chuyên đề: Các quy định pháp lý về trình tự thủ tục, trách nhiệm trong xem xét phê duyệt, giám sát các dự án đầu tư liên quan việc bảo vệ tài nguyên môi trường.

Theo đại biểu, vừa rồi nổi lên nhiều vấn đề phải chăng do quy trình thủ tục chưa hoàn chỉnh, có sơ hở đòi hỏi cần hoàn chỉnh. Ví dụ báo cáo tác động môi trường thì tiêu chí yêu cầu, rà soát thế nào.

“Quốc hội quan tâm dự án sử dụng ngân sách, còn dự án tư nhân 5 tỷ, 10 tỷ USD thì tác động xã hội rất lớn. Do đó không thể nói để các tỉnh giải quyết mà Quốc hội không quan tâm. Sắp tới kiến nghị là nếu dự án tư nhân ảnh hưởng lớn tới xã hội, tới môi trường thì Quốc hội cần có giám sát như khâu rà soát, cấp phép” – ông Nghĩa nêu ý kiến./.