Chiều nay (27/2), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải và thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề liên quan đến giao thông, quy hoạch đô thị của thành phố.

Ông Đinh La Thăng đã đề xuất Chính phủ cho địa phương chủ động đẩy mạnh các dự án đầu tư xã hội hóa theo hình thức BOT và PPP, đồng thời giao quyền chủ động nhiều lĩnh vực cho thành phố.

img_1414_qflt.jpg
Bí thư Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Kim Dung)

Tại buổi làm việc, ngành giao thông vận tải thành phố đã nêu một số khó khăn hiện nay trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BOT và PPP. Tiêu biểu là việc điều chỉnh dự án đường sắt đô thị số 2 (hay còn gọi là metro 2), với việc đội vốn lên hàng trăm triệu USD… Việc tuyến metro số 2 bị nới lỏng tiến độ, kéo dài thời gian khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nội đô trở nên trầm trọng.

Ông Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị cần tìm cách giải quyết, trong đó có việc giải phóng mặt bằng để nhân dân không phản đối. Ông Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu ngành giao thông vận tải thực hiện xử lý ngay hệ thống biển báo giao thông không phù hợp, giảm bức xúc cho người tham gia giao thông.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu ngành giao thông thành phố nhanh chóng xây dựng cầu vượt để giảm ùn tắc giao thông vì vấn đề này không cần phải chờ giải phóng mặt bằng; đưa ra mục tiêu kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng hệ thống thu phí tự động, giảm thời gian ùn ứ tại các điểm thu phí… Cần phải có sự phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và ngành giao thông thành phố, giảm tình trạng xe dù bến cóc… 

Theo ông Đinh La Thăng, TP HCM là thành phố đầu tàu, thu hút số lượng vận tải lớn của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy thành phố đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần được giải quyết, trong đó có nhiệm vụ giảm ùn tắc giao thông, mà trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng. Các dự án của thành phố cũng chính là dự án của ngành thông vận tải.

Ông Đinh La Thăng đề xuất TP HCM cần được Chính phủ giao quyền chủ động quản lý quy hoạch, nếu sai thì trung ương xử phạt theo quy định, cần được ủy quyền về cảng biển, cả về đường bộ và các lĩnh vực khác.

 Bí thư Thành ủy TP HCM kết luận: “Thứ nhất, chúng ta tập trung sớm hoàn thiện, cập nhật lại các quy hoạch trên địa bàn cho phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải của Việt Nam tầm nhìn từ 2020 đến 2030, phù hợp với tầm nhìn chiến lược của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giao thông vận tải đi trước một bước thì quy hoạch phải được cập nhật thường xuyên, bổ sung kịp thời. Chúng ta phải quy hoạch toàn bộ hệ thống, từ đường săt, đường bộ, đường thủy…

Thứ hai là hoàn thiện thể chế chính sách về giao thông vận tải. Chúng ta phải xác định TP HCM là vùng kinh tế rất năng động, tất cả các cơ chế, thể chế chính sách mà vào được TP HCM thì sẽ phát huy được trong cả nước. Thứ 3 là hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, về các công trình giao thông trên địa bàn thành phố. Chúng ta cứ nâng cao độ đường lên, độ cầu lên, rồi dân lại khổ. Dân không theo chúng ta được.

Một điều nữa là TP HCM là thành phố đặc biệt phải có cơ chế đặc biệt, và phải có giải pháp đặc biệt, có quyết tâm đặc biệt thì mới đột phá được. Bộ Giao thông cùng Sở Giao thông vận tải, cái gì còn ủy quyền được, cái gì phân cấp được tiếp tục làm cho triệt để. Tăng cường việc kiểm tra giảm sát lên, đừng có sợ người ta làm không đúng”./.