Tại TP HCM, cuối năm 2015, sau các đợt ra quân thu gom, nạn ăn xin đã giảm tại các tuyến đường trung tâm. Nhưng từ tết Nguyên đán đến nay, ăn xin lại tràn lan khắp nơi. Đặc biệt, những cách thức xin tiền “trá hình” bằng các hoạt động khác ngày càng tăng.

Trước yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về quản lý người ăn xin tại các trung tâm, thành phố có biện pháp gì để hạn chế tình trạng ăn xin? 

“Tôi cũng hay thấy người già, trẻ em, đặc biệt là có mấy đứa bé chỉ có 5- 6 tháng tuổi được người lớn bế đi ăn xin thấy tội, thấy thương. Không những tôi cho tiền mà còn về lấy quần áo, chăn màn nữa, tại vì lúc đó vào mùa đông mà cháu ăn mặc phong phanh. Cô đem ra cô cho cả tiền nữa”.

an_xin_4_pvcs.jpg
Bán vé số cũng có thể tận dụng để xin tiền, vì vậy người dân không nên cho tiền

Nhiều người dân tại TP HCM đã phản ánh với chúng tôi như vậy về tình trạng ăn xin tràn lan trên địa bàn, đặc biệt tăng vọt vào những ngày trước và sau tết. Một nhóm trẻ em chạy ùa ra đường xin tiền tại các ngã tư đèn đỏ; cụ già cầm tập vé số mời khách và xin tiền; bà mẹ bế đứa con dưới 1 tuổi ngủ li bì trên tay ngồi giữa trưa nắng ngửa nón xin tiền hay ông cụ lẽo đẽo theo khách hành hương trước cổng chùa cũng để xin tiền…

Tất cả những hình ảnh đó có thể dễ dàng bắt gặp tại các tuyến đường lớn như Hồng Bàng (Quận 11), An Dương Vương (Quận 5), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) hoặc các chùa có đông người đền lễ Phật như: chùa Phước Hải (Quận 1), chùa Phật Cô đơn (huyện Bình Chánh)... và các ngã tư, giao lộ.

Bà mẹ bế con chờ đợi khách mua hàng được trả lại tiền để xin tiền

Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng thu gom những người này về Trung tâm hỗ trợ xã hội của thành phố, không ai thừa nhận mình đi ăn xin. Họ đều ngụy biện rằng, đi bán hàng và vì người dân chủ động cho tiền nên họ nhận.

Anh Lý Thanh, quê ở Sóc Trăng mang cả đứa con 9 tháng để xin tiền, được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố kể lại: “Em đi bán vé số ở chợ, chợ tên gì em không biết chữ. Ẵm thằng này mệt quá nên ngồi nghỉ tí cho nó bú và ngủ. Em ngứa đầu để cái nón xuống, thì người ta cho tiền. Người ta tưởng ăn xin, xong rồi mới bị bắt vô đây. Tại đi bán vé số mẹ nó không bế nổi, mới kêu em bế”.

Tại TP HCM, công tác quản lý và thu gom người ăn xin đã được thực hiện nhiều lần, nhiều đợt. Gần đây nhất là cuối năm 2014, thành phố đã mở đợt ra quân đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Sau hơn một năm thực hiện truy quét, Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố đã tiếp nhận gần 1.900 đối tượng, trong đó chuyển đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đóng trên địa bàn và các tỉnh lân cận khoảng 1.300 trường hợp, giải quyết hồi gia cho gần 800 trường hợp.

Ngửa nón xin tiền người dân

Còn hiện nay, tình trạng người xin ăn bắt đầu xuất hiện và tăng dần bằng các hình thức trá hình, mánh khóe hơn để tránh các lực lượng chức năng. Tình trạng người xin ăn giả dạng như người bệnh, bán vé số, tăm bông, thầy tu đi khất thực, lợi dụng trẻ em để xin ăn... ngày càng gây khó khăn trong việc xử lý. 

Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo mới đây của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về tăng cường quản lý, thu gom người ăn xin, ngành bảo trợ xã hội thành phố sẽ tiếp tục duy trì 3 đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng người ăn xin. Những thông tin người dân phản ánh sẽ được xử lý nhanh chóng, kịp thời để tránh tình trạng người ăn xin, ăn xin trá hình di chuyển, gây khó khăn cho việc quản lý.

Ông Lê Chu Giang cũng cho biết, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường truy quét người ăn xin, công tác tuyên truyền người dân không cho tiền người ăn xin sẽ phải được đẩy mạnh tận các khu phố.

Bà cụ tự nhiên mình bị tâm thần và chủ động xin tiền người dân tại chợ Phạm Văn Hai, Quận Bình Tân

“Hướng sắp tới, chúng tôi đã có văn bản rồi, sẽ triển khai cho các quận huyện để tiếp tục triển khai chủ trương tập trung đối tượng đến tận các địa bàn dân cư. Còn đối với các đối tượng lười lao động để đi xin ăn, mà thường xuyên tái đi tái lại chúng tôi sẽ phối hợp với các sở ngành nhờ tham mưu ra các giải pháp để xử lý các đối tượng này” - Ông Lê Chu Giang nói.

Hiện nay, việc giải quyết nạn ăn xin tại một địa bàn đông dân và phức tạp như TP HCM không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, nếu các biện pháp được thực hiện quyết liệt, liên tục, không để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, bên cạnh đó, người dân tích cực phản ánh qua đường dây nóng và không cho tiền người ăn xin, dần dần tình trạng ăn xin và ăn xin trá hình sẽ được hạn chế./.