Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 8.000 ha vườn trồng cây thanh long, tập trung nhiều ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước. Để cây thanh long phát triển tốt, năng suất cao, hầu hết nhà vườn đã sử dụng phân gia súc, gia cầm dạng còn tươi để bón vào gốc thanh long.

24_mdzk.jpg
Vườn cây thanh long có sử dụng phân gia cầm để dưới gốc cây

Mấy ngày nay, nhiều hộ dân ở ấp Lương Phú C, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang phải sống trong bầu không khí ngột ngạt bởi mùi hôi thối bốc lên từ một số vườn thanh long.

Đó là việc các nhà vườn dự trữ, bón phân gia cầm còn ở dạng tươi vào gốc thanh long gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nguy hại nhất là cứ sau các cơn mưa to, kéo dài, tình trạng ô nhiễm từ vườn thanh long càng thêm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Hai,  nông dân ở xã Phú Kiết cho biết, người bán và người sử dụng phân gia súc, gia cầm bón cho cây trồng chưa được xử lý, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Theo ông, nhà vườn cần phải  “xử lý” phân gia súc, gia cầm trước khi bón cho cây.

"Đám cưới mà ruồi bu vô, người ta bực, phiền lắm, nhưng ở nông thôn, láng giềng với nhau người ta không dám nói. Tôi mua phân gia cầm về để trên sân, bắt đầu trộn chế phẩm Tricodama vô ủ đậy tấm nhựa một thời gian nó hết hôi đem sử dụng rất tốt", ông Hai nói.

Ở các xã Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Tân Thuận Bình, Quơn Long, huyện Chợ Gạo…nhà vườn thường xuyên sử dụng phân gia súc, gia cầm chưa hoai mục, chưa qua xử lý đã làm “ xáo trộn” cuộc sống  của người dân. 

Qua tìm hiểu của PV, sở dĩ nhà vườn trồng cây thanh long có thói quen sử dụng phân gia súc, gia cầm còn tươi bón cho cây thanh long là do phân này giá rẻ, rất thích hợp với cây thanh long. Cây thanh long bón phân gia súc, gia cầm sẽ tăng trưởng nhanh, trái to, năng suất cao. 

Một số nhà vườn “chạy” theo lợi nhuận chưa quan tâm đến việc gây ô nhiễm từ nguồn phân động vật. Vả lại vườn cây thanh long cần một lượng phân này rất lớn; trong khi đó phân hoai mục không đủ đáp ứng nhu cầu của nhà vườn. Một số hộ dân còn “ tập kết” phân gia súc, gia cầm tại lề đường, nơi công cộng hay một góc vườn…gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống cộng đồng.

Nhà vườn xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo tự ý để những bao phân gia súc, gia cầm tươi ngay cạnh đường giao thông.

Trước tình trạng này, UBND huyện Chợ Gạo đã có văn bản chỉ đạo cho các ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng phân gia súc, gia cầm tại các vườn thanh long.

Tuy nhiên, thời gian qua, chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà chưa có biện pháp xử phạt trường hợp nào, nên việc sử dụng phân gia súc gia cầm chưa phân hủy bón cho cây trồng vẫn tái diễn. 

Ông Lê Anh Thủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo nói: "Ở đây, UBND xã chưa xử lý trường hợp nào. Lý do là họ chở phân ban đêm, thứ hai là nhà vườn để bao phân dưới gốc cây thanh long chưa xả ra. UBND xã đã mời các chủ phương tiện có chở phân gia cầm, gia súc đến làm việc, trao đổi họ, làm công tác tuyên truyền. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đến các hộ trồng cây thanh long để tuyên truyền, không cho sử dụng phân tươi cho cây thanh long."

Việc bón phân gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người dân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh tay, chân miệng đang bùng phát tại tỉnh Tiền Giang.

Ông Châu Văn Đức, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chợ Gạo cho biết, tình trạng này nếu không khắc phục sẽ  làm giảm chất lượng trái thanh long, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu trái cây này: "Về mặt môi trường, bà con phải ủ hoai, chứ không nên sử dụng phân tươi, vô bao bỏ dưới gốc. làm như vậy thời gian phân hủy nó lâu, tạo mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, mất thẩm mỹ nữa. Ngay cả các thị trường lớn, muốn mua nhiều, họ cử nhân viên đến tham quan, đến vùng nguyên liệu thấy vậy sẽ hạn chế mua trái thanh long của mình."

Đống phân bò được nhà vườn xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo đổ xô ngay mặt đường mất vẻ mỹ quan và gây ô nhiễm nặng.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm từ vườn cây thanh long như ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, chính nhà vườn phải có ý thức, chấn chỉnh ngay việc bón phân động vật còn tươi, chưa qua xử lý.

Các nhà vườn trồng cây thanh long phải tích cực áp dụng các biện pháp, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong việc xử lý phân động vật trước khi bón cho cây.

Chính quyền, ngành chức năng địa phương cần có biện pháp chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời có chính sách “mời gọi” các nhà đầu tư, các doanh nghiệp triển khai xây dựng các nhà máy chế biến phân bón sinh học, phân hữu cơ,  cơ sở xử lý, chế biến phân gia súc, gia cầm đạt vệ sinh …để cung cấp cho nhà vườn trồng cây thanh long. Có như thế, thì vườn cây thanh long mới đạt tiêu chuẩn “ sạch”, cho ra những quả chín ngọt ngào, xuất khẩu có giá trị cao./.