Trong vòng hai tuần qua, giá thanh long mua tại vườn sụt giảm mạnh ở mức thấp kỷ lục chỉ từ 500 đến 1.000 đồng/kg. Tình trạng rớt giá thảm hại xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước mắt, lượng hàng khá lớn đang tồn đọng cần có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tiêu thụ.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 29.000 ha thanh long, đứng đầu cả nước về diện tích sản xuất loại nông sản này. Cuối tháng 9 vừa qua, nhờ thời tiết thuận lợi, hầu hết diện tích thanh long cuối vụ đều cho ra trái. Một số bà con nông dân còn tổ chức chong đèn sớm đã dẫn đến sản lượng tăng đột biến. Hơn một nửa tổng diện tích cho ra trái với tổng sản lượng lên đến 100.000 tấn.

vov_anh_nguyen_van_truong_xa_muong_man_huyen_ham_thuan_nam_noi_3_tan_hang_trong_vuong_dang_hong_dan_vi_qua_ngay_thu_hoach_wzbe.jpg
Ba tấn thanh long trong vườn của anh Nguyễn Văn Trường đang hỏng dần vì quá ngày thu hoạch

Kỹ sư Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Bình Thuận cho biết, với sản lượng lớn như vậy, trong thời gian ngắn, năng lực của các doanh nghiệp địa phương không kịp tiêu thụ, kể cả không đủ kho dự trữ. Các doanh nghiệp tạm ngừng mua vì kho lạnh đầy dẫn đến giá thanh long giảm sâu. Mặt khác, do chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, các hoạt động nghỉ lễ Quốc khánh nước này vào đầu tháng 10 cũng đã tác động đến giá cả trái thanh long.

“Trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp trên địa bàn không có đủ năng lực để thu mua. Thêm vào đó, từ ngày 1/10 lễ Quốc khánh Trung Quốc, nhiều đối tác thu mua thanh long của Trung Quốc ngừng thu mua để ăn tết, nên việc tiêu thụ thanh long bị chững lại”, ông Thủ cho biết.

Nông dân Nguyễn Văn Hòa ở tỉnh Bình Thuận cũng đang lo cho số phận 10 tấn thanh long chưa bán được

Còn tại tỉnh Long An, huyện Châu Thành là nơi trồng nhiều thanh long nhất với trên 8.300 ha. Vào thời điểm này ở Châu Thành vào mùa thanh long chính vụ, sản lượng khoảng 45.000 tấn. Chính cung vượt cầu đã làm cho giá thanh long giảm mạnh. Tuy nhiên, thanh long chín nhanh, sản lượng lớn nên việc điều tiết xe lạnh container, kho trữ lạnh cũng đang quá tải. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp nỗ lực hết sức để thu mua và chia sẻ bớt khó khăn với các nhà vườn.

"Thị trường tiêu thụ không hết, không kịp nên thanh long còn tồn tại vườn, một số thanh long bà con đã thu hoạch nhưng thương lái mua chưa kịp. Trước tình hình này, huyện kêu gọi doanh nghiệp cố gắng mua hết cho bà con để thu lại phần nào vốn đầu tư", ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An nói.

Nhiều vườn thanh long ở Bình Thuận cũng như Long An đến kỳ thu hoạch vẫn không có người mua

Tuy không thu về được mức lãi cao nhiều như đợt trước hoặc đợt thu hoạch thanh long chong đèn, nhưng với sự nỗ lực của địa phương cũng đã giảm thiểu phần nào chi phí đầu tư của bà con nông dân. Về lâu dài, để tránh tình trạng này, nông dân trồng thanh long cần phải thay đổi tập quán sản xuất, chuyển dần qua quy trình nông sản an toàn như VietGAP và cao hơn là GlobalGAP để được nhiều thị trường trên thế giới chấp nhận, tránh lệ thuộc vào một thị trường./.