Những cuộc trao đổi thân mật giữa điều dưỡng với người bệnh và người nhà bệnh nhân từ lâu đã trở thành một quy định bắt buộc tại Bệnh viện Việt Đức. Đây là bệnh viện công lập duy nhất ở nước ta thực hiện được việc mỗi điều dưỡng có 1 bộ hồ sơ riêng ghi chép các thông tin liên quan đến bệnh nhân, để từ đó đưa ra những biện pháp chăm sóc sát thực và hiệu quả.
Trách nhiệm với công việc, chị Dung thường xuyên cập nhật những quy trình an toàn bệnh nhân ở các nước tiên tiến để tham mưu với lãnh đạo bệnh viện ban hành những quy định chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, giúp cho công việc của các điều dưỡng viên ngày càng chuyên nghiệp hơn.
“Một trong những điều mà chúng tôi thực hiện tốt là tự xây dựng những quy định cho mình. Ví dụ, hiện nay nhiều bệnh viện học tập chúng tôi về quy định “10 không” đối với điều dưỡng viên. Trong đó, không sử dụng điện thoại khi làm chuyên môn, không được để buồng bệnh không có nhân viên y tế, không được nấu ăn trong buồng bệnh, không được xem ti vi và làm việc riêng. Nếu làm tốt công việc của điều dưỡng thì không có thời gian ngồi chơi”, chị Dung nói.
Quy định 10 không đối với điều dưỡng của Bệnh viện Việt Đức đang được nhiều bệnh viện trong cả nước học tập.
Tác giả của quy định này - chị Phan Thị Dung cũng là người đầu tiên áp dụng chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng Việt Nam vào chăm sóc vết thương.
Cũng từ đây, chị được Bộ Y tế mời tham gia xây dựng các chính sách liên quan đến ngành điều dưỡng như: xây dựng “Tiêu chuẩn chức danh cho nghề điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh”… Chị được ví như niềm tự hào của đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức.
Điều dưỡng Đỗ Cẩm Anh, khoa Phẫu thuật gan mật Bệnh viện Việt Đức cho rằng, nhờ có chị Dung mà đội ngũ điều dưỡng bệnh viện ngày càng trưởng thành.
Chị Anh nói: “Chị Dung là người rất tuyệt vời. Chị đã xây dựng nhiều quy định để điều dưỡng trở thành chuyên nghiệp, rất tốt cho bệnh nhân và cả bệnh viện. Những bài của chị cứ thầm dần trong chúng tôi và thấy rằng rất có ích trong công việc. Thực hiện 10 không, tốt cho cả bệnh nhân và điều dưỡng, lương tâm của người thầy thuốc là cứu bệnh nhân là hàng đầu”.
Từ những quy trình chăm sóc, đảm bảo an toàn bệnh nhân mà Trưởng phòng điều dưỡng Phan Thị Dung soạn thảo, mới có những hình ảnh đẹp điều dưỡng tắm gội, vệ sinh cá nhân cho những bệnh nhân nặng ngay trên giường bệnh.
Chị Dung tâm sự, công việc của điều dưỡng không chỉ đơn thuần là tiêm thuốc, truyền dịch, mà tất cả những cử chỉ, lời nói của họ đều tác động đến sự an toàn của bệnh nhân. Chỉ một phút lơ đãng cũng có thể dẫn đến tiêm, truyền nhầm thuốc. Chỉ một lần kiệm lời là bệnh nhân hiểu nhầm hoặc lo lắng không đáng có. Chỉ một ánh mắt không thân thiện cũng có thể khiến bệnh nhân nặng thêm. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây nên mổ nhầm bệnh nhân và lây nhiễm chéo bệnh dịch tại bệnh viện.
Năm 2014, tập thể điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
“Tôi thường nói với điều dưỡng trưởng ở các khoa là những điều dưỡng trưởng là những người làm quản lý, nếu quản lý mà không kiểm tra, giám sát, đánh giá thì coi như không quản lý. Chúng tôi nhận thấy rằng, chúng tôi phải cải tiến cách phục vụ để người bệnh hài lòng. Chúng tôi coi người bệnh là khách hàng, luôn tìm mọi cách để người bệnh hài lòng nhất. Bản thân tôi không bao giờ muốn điều dưỡng viên bị Gám đốc bệnh viện phạt. Tôi thương các điều dưỡng bằng cách tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những điều mà điều dưỡng làm chưa tốt để chấn chỉnh ngay.”, chị Dung tâm sự.
Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền hậu, chị Phan Thị Dung trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 54 của mình. Chị bảo đó là do chị biết cho đi để nhận lại nhiều hơn.
30 năm công tác, chưa một lần chị bị chê về thái độ phục vụ bệnh nhân và mặc dù sắp nghỉ hưu, chị vẫn say mê nghiên cứu, cập nhật những quy trình mới nhất về chăm sóc, đảm bảo an toàn người bệnh để cùng đồng nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.