Những dòng tâm sự của một người làm trong ngành y gửi đến Báo điện tử VOV:
"23h10 ngày 21/7.
Tôi viết những dòng này từ những bức xúc trăn trở của tôi.
Khi xem đoạn clip về em, thấy em khóc, có người nói “đây là những giọt nước mắt cá sấu”! Nhưng tôi tin đây là những giọt nước mắt ân hận và đau khổ thực sự, vì một người biết suy nghĩ dù có nhẫn tâm đến mấy cũng không thể làm ngã 1 đứa bé chứ đừng nói đến 5 bé. Bởi vì ai cũng đều tự hiểu điều gì sẽ đến với mình nếu như mình làm hành động đó.
Một lý do nữa để tôi nghĩ em không thể làm vậy vì em là một nhân viên ngành y: một nhân viên y tế, khi xác định mình đứng trong hàng ngũ này thì dù ít dù nhiều chúng ta cũng có một chữ "tâm". Chữ "tâm" đó dẫn dắt chúng ta trong công việc phục vụ bệnh nhân hàng ngày.
Tôi muốn nói với mọi người đang gay gắt lên án em rằng: hãy nhìn nhận một cách khách quan mọi việc, đừng vội vàng kết luận em một cách phũ phàng như thế. Mọi người biết không? Khi tất cả đang ngon giấc trong nhà mình thì ở bệnh viện nhân viên y tế đang lao động vất vả. Khi đi qua chỗ có chất thải của con người, ai nấy bịt mũi đi thật nhanh thì nhân viên y tế phải ở lại, dọn dẹp, lau rửa cho bệnh nhân. Khi có những ổ dịch bệnh, mọi người tránh xa, mọi người uống thuốc phòng ngừa còn nhân viên ngành Y phải lao vào để chăm sóc người bệnh, để dập tắt dịch bệnh, không màng đến nguy hiểm cho bản thân mình. Các Giáo sư, bác sỹ đứng mổ 8-9 thậm chí 10 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn nữa để cứu sống bệnh nhân. Vậy nếu không có chữ " tâm" thì những nhân viên y tế lấy đâu ra nghị lực để vượt qua những khó khăn gian khổ đó?.
Ngành nghề nào cũng vậy, cũng có những người tốt và chưa tốt. Và như thế, chúng ta hãy nên sáng suốt nhìn nhận sự việc một cách khách quan, đừng vì những định kiến với một nghề nghiệp nào đó, với một người nào đó mà chúng ta vô tình đưa ra những nhận xét thiếu tính khách quan. Em còn trẻ quá, cuộc đời của em còn một chặng đường dài phía trước, tại sao những người lớn như chúng ta lại bịt mọi con đường sống của em. Em sẽ sống ra sao khi mọi người luôn nhìn em bằng ánh mắt thù địch?.
Chúng ta đang sống trong một đất nước có hệ thống luật pháp, vậy thì hãy để luật pháp làm công việc của nó, để chỉ ra lỗi này có thuộc về em hay không? Trong nghề Y, không phải không có những tai nạn nghề nghiệp, có những tai nạn xẩy ra do yếu kém về chuyên môn nhưng cũng có những tai nạn xảy ra vì rủi ro. Điều may mắn trong vụ việc này là các em bé sơ sinh không bị nguy hiểm đến tính mạng, vậy thì có nên dồn ép nữ điều dưỡng này đến tận cùng của sự chịu đựng không?
Ngành Y đã có những câu chuyện đáng buồn giống như câu chuyện này mà kết cục là người trong câu chuyện vì không chịu nổi điều tiếng của dư luận trong lúc nghĩ quẩn đã tự tước đi cuộc sống của chính mình. Nếu chúng ta lại để xảy ra một chuyện buồn tương tự thì liệu chúng ta, những người lớn có thể không hối hận được không và liệu gia đình các em bé bị ngã kia liệu có hài lòng với kết cục này không?
Người Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống nhân hậu, biết cảm thông, biết tha thứ. Đạo Phật còn dạy con người ta nên từ bi hỉ xả trong cuộc sống. Vì vậy tôi muốn kêu gọi mọi người hãy khách quan trong việc nhận xét và hãy biết tha thứ để nữ điều dưỡng Vân Anh còn có thể làm lại cuộc đời, để em sẽ luôn nhớ đến bài học ngày hôm nay, nhớ đến sự nhân ái của mọi người trong xã hội mà phấn đấu trở thành người tốt, để chuộc lại những lỗi lầm do mình gây ra"./.