Với những suy nghĩ định kiến như phụ nữ phải gắn với bếp núc gia đình, chăm sóc cho chồng con, là hậu phương lớn của gia đình… Nhiều phụ nữ khi khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí phải lựa chọn giữa gia đình hoặc đam mê mình theo đuổi.

Đánh đổi đắt giá của nữ doanh nhân

img_0094_flnn.jpg
Nữ doanh nhân Lê Nguyện
Bà Lê Nguyện, Giám đốc HTX Thanh long Hàm Đức, tỉnh Bình Thuận là chủ doanh nghiệp đầu tiên ở Bình Thuận ấp ủ và cho ra đời rượu vang thanh long có tiếng tại tỉnh này. Tuy nhiên, để có được thành quả như ngày hôm nay, bà Lê Nguyện đã phải đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình của mình.

Ly hôn với người chồng năm 2011 với lý do ông không ủng hộ bà khởi nghiệp mà bắt ở nhà phục tùng cơm nước cho chồng con, thậm chí người chồng còn “cấm cửa” vợ tiếp xúc với xã hội bên ngoài, đập điện thoại của bà. Trong khi đó, tiềm ẩn trong con người phụ nữ này là sự bứt phá, ham muốn “ra khơi”. Khi xung đột ngày càng tăng và không thể cứu vãn, bà đã lựa chọn… thanh long. Đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình, bà tự cảm thấy mình như một “con cá ra biển lớn”, được tha hồ vùng vẫy.

Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm trí của nữ doanh nhân này, bà vẫn cho rằng phụ nữ không nên khởi nghiệp giống bà. “Tôi không muốn tất cả những phụ nữ khởi nghiệp giống như tôi, phải đánh đổi cả gia đình. Đó là cái giá quá đắt và tôi hoàn toàn không mong muốn điều đó” – bà Lê Nguyện nói.

Theo nữ doanh nhân này, phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp rất cần nhận được sự sự đồng cảm của xã hội, nhất là nam giới và người chồng của họ. Có như vậy, người phụ nữ vừa giữ được hạnh phúc gia đình, vừa thành công trong công việc. Bởi phụ nữ làm doanh nghiệp thường thiệt thòi hơn nam giới, họ vừa phải gánh vác việc gia đình, vừa lo cho công việc của doanh nghiệp. Cho nên, nếu không được sự ủng hộ, thậm chí hi sinh của người chồng, họ rất khó thành công.

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thu hút đa số lao động nữ (Ảnh minh họa)

“Bản chất của phụ nữ Việt Nam là luôn luôn hi sinh cho gia đình, chồng con, làm việc tận tụy, hay lam hay làm. Do đó, khi các chị khởi nghiệp, bước ra thế giới bên ngoài rất cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội, quan trọng nhất là phía nam giới. Người đàn ông trong gia đình phải chia sẻ, thấu hiểu, thông cảm về giờ giấc, công việc của chị em. Nhiều khi phải toàn tâm toàn ý với doanh nghiệp, cho nên thời gian dành cho công việc sẽ nhiều hơn chăm sóc gia đình. Những người đàn ông có vợ khởi nghiệp thì hãy hi sinh như người vợ của mình đã làm cho gia đình” – bà Lê Nguyện chia sẻ.

Làm gì để bước qua “định kiến giới?”

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thừa nhận, những định kiến tồn tại lâu đời đã thành trở ngại đối với phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh. Xã hội cho rằng, phụ nữ là “chân yếu tay mềm”, phải là “hậu phương lớn” của gia đình; rồi làm sao để hài hòa, bảo đảm giữa sự thành đạt ngoài xã hội và một gia đình hạnh phúc, viên mãn… thực sự đặt lên vai chị em gánh nặng, khiến họ hạn chế cơ hội kinh doanh.

Cũng từ quan niệm đó đã làm cho phụ nữ thiếu động lực và môi trường để khuyến khích ý tưởng và thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Các chị cũng thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; khó có cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi do nặng gánh gia đình, sinh con…

Số liệu cho thấy, tại Việt Nam, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm gần 26%, mỗi năm tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động, trong đó trên 743.000 lao động nữ, đóng góp 41.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, từng bước khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều phụ nữ được hỏi đều mong muốn khởi nghiệp, thế nhưng đi đến thành công, nữ giới gặp không ít khó khăn do sức khỏe, gia đình, rất áp lực về tinh thần, tâm lý.

Theo các chuyên gia, phụ nữ khởi nghiệp phải làm việc với 400% sức lực. Họ thường “khởi nghiệp cô đơn”, hiếm khi được sự đồng hành của chồng; sử dụng nguồn vốn cá nhân để kinh doanh mà ít được tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng. Hiện cũng chưa có định nghĩa chính thức thế nào là “phụ nữ khởi nghiệp”, hay “doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”; chính sách cho doanh nghiệp nữ chỉ được đề cập một cách chung chung, không có hướng dẫn cụ thể, điều đó khó xác định chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp nữ. Quyền lợi của phụ nữ khởi nghiệp cũng vì thế mà không được đảm bảo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, bản thân người phụ nữ hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ đã rất khó khăn, giờ vươn lên làm chủ doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ khó khăn gấp bội phần. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm rất cao, tỷ lệ doanh nghiệp gây thất thoát rất thấp, đóng bảo hiểm xã hội bao giờ cũng cao hơn các doanh nghiệp do đàn ông làm chủ.

Đặc biệt, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thu hút đa số lao động nữ, điều đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, mà còn quyết định đến vấn đề bình đẳng giới thực chất./.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, định hướng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội. Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2027” đang trình Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia: 35% doanh nghiệp do nữ làm chủ trong tổng số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Đề án này và cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được xây dựng, tập trung cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, tín dụng, lao động… Điều này sẽ rất thuận lợi cho các nữ doanh nhân, bởi có tới 98,8% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.