Theo ĐBQH, TS Trần Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM, đối với những người khởi nghiệp, ngoài yếu tố về ý tưởng thì yếu tố thị trường cũng là điều quyết định.
TS Trần Anh Tuấn nói: “Chúng ta phải thấy rằng, nhu cầu của thị trường trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng, nó mang yếu tố quyết định để những ý tưởng khởi nghiệp thành công. Hiện tại, có thể có những ý tưởng chưa thành công, nhưng trong tương lai, nó sẽ được hiện thực hóa, thị trường hóa, được doanh nghiệp cảm nhận và hấp thụ trong nền sản xuất. Trong đời sống xã hội, ý tưởng đó sẽ thành công”.
PV:Thưa ông, năm 2016 được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Vậy theo ông, muốn giới trẻ khởi nghiệp thành công thì chúng ta cần phải làm gì?
TS Trần Anh Tuấn:Giới trẻ có ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu rất sớm, học sinh cấp 2-3 đã có những ý tưởng sáng tạo. Những ý tưởng đó cần phải được ghi nhận để bước vào môi trường đại học, nó sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển cao hơn nữa và được hiện thực hóa dễ dàng hơn.
Giáo dục đại học cần tạo môi trường cho những ý tưởng sáng tạo, trong đó có những ý tưởng sáng tạo mang tính khởi nghiệp. Những ý tưởng đó phải được ghi nhận và có những tổ chức đánh giá, chọn lọc để đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Những ý tưởng hay phải được bảo vệ quyền hữu trí tuệ để có thể thương mại hóa.
TS Trần Anh Tuấn:Đối với những ý tưởng đã được chọn lọc thì cần có sự hỗ trợ để đưa những ý tưởng đó vào thực tiễn. Chúng ta có thể hỗ trợ trực tiếp cho những người có ý tưởng tốt hoặc thông qua các doanh nghiệp để chuyển giao các ý tưởng đó cho doanh nghiệp. Chúng ta có nhiều kênh, nhiều cách khác nhau để đưa ý tưởng vào cuộc sống.
Doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ các ý tưởng sẽ phải trả công cho những chủ nhân của các ý tưởng đó. Điều đó sẽ thúc đẩy cho những ý tưởng mới, sáng tạo.
PV:Viện nghiên cứu phát triển Thành phố HCM với vai trò tham mưu, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo TP. Vậy Viện đã có những chương trình nào hỗ trợ cho các start up ở TP HCM chưa thưa ông?
TS Trần Anh Tuấn:Chúng tôi đã và đang có những chương trình giảng dạy cho các đội ngũ doanh nhân. Dù chỉ là những khóa học ngắn hạn nhưng nó mang tính thực tiễn, trang bị những kiến thức về hội nhập, đấu thầu, những kỹ năng mềm, ... cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nó cũng khơi dậy những ý tưởng mới đối với các học viên.
Chúng tôi cũng hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp đang hoạt động và những nhà đầu tư tiềm năng để có những ý tưởng mang tính sáng tạo, tạo ra những sản phẩm phục vụ cho phát triển kinh tế.
Sau mỗi khóa học, các học viên rất hài lòng và đánh giá chương trình rất tốt, vận dụng những kỹ năng đã học được, đặc biệt là những kỹ năng mềm trong điều hành doanh nghiệp, trong khởi nghiệp.
PV: Thưa ông, hiện nay cái khó khăn lớn nhất đối với các start up là việc tiếp cận với nguồn vốn. Ông nghĩ thế nào về việc chúng ta nên lập ra những sàn giao dịch để các start up có thể kêu gọi vốn, đặc biệt là các quỹ mạo hiểm để họ có thể tiếp cận được?
TS Trần Anh Tuấn:Tôi nghĩ, đây là một trong những ý tưởng rất tốt tạo điều kiện cho những start up có thể giao dịch được. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét và tính toán kỹ trong thời gian tới bởi thị trường của chúng ta còn non trẻ nên vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn bởi start up chỉ là ý tưởng được đưa ra, nhưng ý tưởng đó khi đi vào thực tế thì nó có thể thành công hoặc thất bại, nó mang tính rủi ro rất cao. Thông thường, đối với các start up thì chỉ có các nhà đầu tư mạo hiểm họ mới đầu tư vào đó và họ cũng thu lời rất nhiều bởi vì đó là những ý tưởng mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó thất bại cũng không nhỏ.
Hiện nay, ở Thái Lan cũng có 1 sàn giao dịch dành cho các start up. Đối với thị trường Việt Nam thì các quỹ đầu tư mạo hiểm không nhiều, chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư, kêu gọi vốn cho các start up.
Chúng ta rất cần 1 sàn giao dịch dành cho start up nhưng thể chế cho môi trường hoạt động của sàn đó phải nghiên cứu rất kỹ, phải học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước.
PV:Xin cảm ơn ông!./.