Mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái
Đến với nghề nuôi tôm truyền thống từ năm 1997, tuy nhiên do điều kiện, giá cả không còn thuận lợi, khoảng 10 năm trở lại đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ đã chủ động chuyển sang nuôi và chế biến tổ yến thô.
Nhờ tận dụng đất nhà có sẵn để đầu tư nên cũng tiết kiệm được nhiều chi phí, mang lại nguồn thu nhập ổn định, trung bình 300 đến 500 triệu đồng/năm, được đánh giá là một trong các hộ nuôi chim yến đạt giá trị kinh tế cao.
Chương trình “mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái” đang được tiếp tục đẩy mạnh góp phần cải thiện chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện đảo.
Trong quá trình nuôi, cứ mỗi năm thu hoạch 2 vụ, gia đình chị Oanh và bà con nông dân ở đây đều được các cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ về kỹ thuật, cập nhật thông tin, thị trường tiêu thụ, cũng như cử tổ công tác lấy mẫu kiểm dịch cho chim yến.
Tính đến nay, toàn huyện Cần Giờ có 481 nhà nuôi yến, trong đó có 320 nhà nuôi đã cho thu hoạch, tăng 60 hộ so với năm 2021. Sản lượng tổ yến thu hoạch ước đạt 12,8 tấn, đạt trên 101% kế hoạch, góp phần tăng giá trị sản lượng nông nghiệp của địa phương.
Hiện nay, Yến Sào Cần Giờ là một trong số 3 sản phẩm cùng với Khô cá dứa và Xoài cát Cần Giờ đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Thu nhập khấm khá, người dân cũng đồng lòng chung sức cùng với chính quyền địa phương để nâng cấp các tuyến đường nông thôn, mở rộng tuyến hẻm, giúp cho bộ mặt nông thôn mới thêm khang trang.
"Từ ngoài đường lớn vào thì là đường nhựa, những con đường nhỏ trong xóm thì đã bê tông hóa hết rồi, điện đường đã có có đầy đủ, tạo nhiều công ăn việc làm. Tình trạng nhà nghèo hay hộ nghèo giảm nhiều. Đa số bà con nay không phải đi xa làm công nhân xí nghiệp nữa mà làm việc ngay tại địa phương, không phải tha phương cầu thực như trước. Bây giờ không còn nhà lá mà đa số là nhà tôn, nhà tường", chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh phấn khởi nói.
Để tiếp tục nâng chất chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp nông dân từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, mô hình “Phát triển du lịch xã đảo Thạnh An” mới đây đã được đưa vào hoạt động.
Mô hình này gồm khu ẩm thực và khu giải trí, bước đầu có 10 gian hàng do bà con trên đảo đăng ký kinh doanh; kết hợp với những tổ kinh doanh cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, tham quan, trải nghiệm, phục vụ đờn ca tài tử, mua sắm sản phẩm đặc trưng Cần Giờ dành cho du khách đến với xã đảo Thạnh An, ấp đảo Thiềng Liềng...
Hiện nay nhiều nông dân được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, gắn với các sản phẩm OCOP, nhân rộng mô hình này tại thị trấn Cần Thạnh và các xã còn lại để đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng xã, thị trấn.
Bà Trần Thị Năm, người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết: "Hộ nghèo được vay tiền hỗ trợ giảm nghèo để làm ăn, còn những hộ khá hơn không còn chuẩn hộ nghèo thì cũng được vay 50 đến 100 triệu đồng để phát triển kinh tế.Người dân trên đảo thì hộ đều đã có nhà vệ sinh đầy đủ, 100% hộ đều đã dùng nước sạch. Điện đường giờ sáng trưng, chứ ngày xưa là không có đâu, xe đạp còn không có đi nhưng giờ toàn bộ hộ dân, nhà nào cũng có xe gắn máy".
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Huyện Cần Giờ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, đánh dấu bước phát triển mới cho địa phương. Quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện dù xuất phát điểm thấp và gặp nhiều khó khăn, song đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên 63,7 triệu đồng/người/năm.
Trong đó, thu nhập của người dân xã đảo Thạnh An đạt 63,2 triệu đồng/người/năm. Theo UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM, trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt trên 20% vào năm 2010. Đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm đã đạt gần 96% (32.300 lao động có việc làm/36.800 lao động trong độ tuổi). Cần Giờ không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Tiếp tục nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: địa phương đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 97 triệu đồng/người/năm…
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ cho các xã, thị trấn phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, huyện Cần Giờ tăng cường khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là xã hội hóa để đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
"Hiện tại huyện đã xây dựng một số HTX mang tính thương mại dịch vụ. Những mô hình HTX này phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối với người nông dân, xây dựng các sản phẩm gắn với Vietgap, OCOP góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương và từ đó thúc đẩy việc nâng chất tiêu chí xây dựng nông thôn mới", ông Nguyễn Ngọc Xuân nói.
Trong tương lai, Cần Giờ sẽ là thành phố nghỉ dưỡng, du lịch, sinh thái. Việc nâng cao tiêu chí nông thôn mới ở Cần Giờ bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, giải quyết chuyển dịch lao động một cách hiệu quả, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương đã mang lại sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho huyện đảo Cần Giờ, nơi xa xôi, cách trở và khó khăn nhất của TP.HCM./.