Bệnh nhân H. được chuyển vào Khoa hồi sức Bệnh viện điều trị Covid-19 huyện Cần Giờ cách đây 3 tuần trong tình trạng suy hô hấp, hỗ trợ thở oxy dòng cao không đáp ứng phải đặt nội khí quản, thở máy. Bệnh nhân vừa viêm phổi, vừa tràn khí màng phổi. Các bác sĩ ngoại đã dẫn lưu màng phổi, điều trị cả kháng sinh, kháng nấm và kháng virus. Cách đây 1 tuần bệnh nhân đã rút được ống dẫn lưu và rút được nội khí quản. Một ca bệnh hồi phục ngoạn mục từ nỗ lực giành giật sự sống của các y bác sĩ.
Đây là 1 trong 6 ca bệnh đang được điều trị tại ICU Bệnh viện huyện Cần Giờ. So với thời điểm cách đây 1-2 tháng, số ca điều trị tại ICU đã giảm gấp 3 lần.
Đã có lúc phải chia họng oxy
Trước đó, giữa tháng 7 đầu tháng 8, đỉnh điểm phòng hồi sức có 20 ca, trong đó có 10 ca thở máy. Thời điểm đó bệnh viện gần như kêu “cứu” lên các group Sở y tế đều không thể sắp xếp để bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Trần Hiếu vốn là nhân sự của bệnh viện Nguyễn Tri Phương, anh được điều động xuống Cần Giờ cách đây 3 tháng. Cầm trên tay van chia oxy, anh cho biết, đã có lúc ICU chỉ có 10 họng oxy nhưng có tới 20 bệnh nhân cần thở máy. Oxy hiếm, các bác sĩ đã nghĩ ra "sáng kiến" chia 1 họng oxy đến 2 máy thở hoặc 2 máy HFNC để giải quyết tình trạng có máy nhưng không có họng oxy tường để thở.
Một bất lợi là Bệnh viện huyện Cần Giờ khá xa trung tâm, việc chuyển lên tuyến trên gặp nhiều khó khăn. Muốn chuyển 1 ca thở máy thì phải lắp đặt máy móc bình oxy trên xe, đảm bảo an toàn quá trình vận chuyển 1-1.5 giờ, ngân hàng máu quá xa thành phố.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Văn Đại là 1 trong 72 nhân viên y tế tỉnh Ninh Bình chi viện cho Bệnh viện điều trị Covid-19 huyện Cần Giờ cho biết, khoa ICU chăm sóc toàn diện từ ăn uống vệ sinh cá nhân, có thời điểm 4 người điều trị 19 -20 bệnh nhân, vừa cấp cứu bệnh nhân này thì bệnh nhân khác đã phải đặt nội khí quản thở máy.
“Bệnh nhân nặng chuyển vào liên tục, chọn giữa bệnh này với bệnh nhân kia để đặt nội khí quản thở máy hay đặt cho bệnh nhân này trước rồi tìm cách mượn máy đặt cho bệnh nhân khác sau không phải chuyện dễ dàng”.
Có lúc nhân viên y tế còn dùng túi bóng để bọc giày vì thiếu đồ bảo hộ. Thiếu thốn nhưng không buồn bằng khi chứng kiến một ca tử vong bắt buộc mai táng. “Chúng tôi thay quần áo mới, tắm rửa cho người bệnh. Nhưng có trường hợp không liên hệ được người nhà, phải báo công an để tìm người thân, có trường hợp liên hệ được nhưng không được phép vào bệnh viện. Các y bác sĩ đã làm thay công việc của người nhà thay quần áo và đưa tiễn người bệnh vào nhà đại thể”.
TS.BS Lê Mạnh Hùng – Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM kiêm giám đốc điều trị Covid 19 tại Cần Giờ cho hay, ICU bệnh viện thành lập tháng 6. Quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn về cả nhân sự và trang thiết bị. “Có lúc chúng tôi tiến hành lọc máu tại bệnh viện với 1 máy lọc máu của bệnh viện 115 cho mượn, sau đó đoàn 115 rút đi thì rút luôn máy lọc máu”.
Trước đây bệnh viện như dạng trung gian, ICU lập với mục đích tiếp nhận bệnh nhân suy hô hấp bệnh nền nặng, thậm chí là can thiệp cho thở máy, nhưng sau này số ca bệnh “bùng” lên, ngay cả tầng 1 có nhiều bệnh nặng không có nơi nhận, hệ thống BV tầng 3 chưa được mở, chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ số giường tiếp nhận bệnh nhân nặng dẫn đến có những ca bệnh đã tử vong.
Hiệu quả từ công tác hỗ trợ bệnh viện vệ tinh
Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ có quy mô 600 giường, trong đó có 20 giường chăm sóc tích cực (ICU) với lực lượng chủ yếu là các bệnh viện hạng 1 của thành phố xuống hỗ trợ về chuyên môn.
Tất cả các bác sĩ ở bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ đến từ các bệnh viện khác nhau như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện sản Hùng Vương, Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương…cứ một tháng lại chuyển tua. Bên cạnh đó còn có Đoàn chi viện của Bệnh viện da liễu Trung Ương, Sở y tế Ninh Bình. Dù đến từ nhiều vùng miền khác nhau, cung cách quản lý khác nhau nhưng họ cố gắng xây dựng phác đồ điều trị và quy trình làm việc thống nhất vì mục tiêu chung là cứu người.
Chuyên gia đoàn hỗ trợ cho bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ cứ mỗi tháng lại thay đổi nên đào tạo ekip tương đối khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là hội chẩn chuyên môn và chuyển bệnh theo tầng.
Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng, nhờ sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên nhiều vướng mắc đã dần được tháo gỡ, “khó khăn hiện tại của bệnh viện Cần Giờ là hội chẩn ca nặng và chuyển bệnh, chuyển tầng khi có chỉ định”.
Thời gian qua Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ bệnh viện nhiều khóa đào tạo online chuyên môn giúp bác sĩ hồi sức và không hồi sức thêm kiến thức điều trị bệnh, hội chẩn trực tiếp tại chỗ, nắm tình hình bệnh, theo dõi điều trị cấp thuốc, hồ sơ bệnh án. Với những ca bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị, bệnh viện kịp thời liên hệ với tuyến trên.
Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh dựa vào nhu cầu nhân lực, trang thiết bị thực tế của từng đơn vị. Theo TS. BS Hoàng Việt Anh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Cần Giờ tiếp nhận các bệnh nhân F0 ở mức độ tầng 1 và 2.
Với vị trí địa lý khá xa trung tâm thành phố nên hội chẩn trực tuyến telehealth, hội chẩn đường dây nóng với Trung tâm Hồi sức tích cực được chú trọng. Bên cạnh đó Trung tâm cũng cử bác sĩ chuyên khoa có trình độ chuyên môn đi buồng và hội chẩn tại chỗ, với ca nặng, xử lý chuyên sâu, thở không xâm nhập HFNC, thở xâm nhập, các bác sĩ được chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa hồi sức của Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ tối đa theo nhu cầu.
Với bệnh nhân có nhu cầu chuyển tuyến, Trung tâm hỗ trợ và trao đổi chuyên môn trước khi bệnh nhân chuyển đi, đảm bảo an toàn trong khi chuyển và hiệu quả hồi sức sau đó tốt nhất.
Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ 9 bệnh viện ở các khu vực khác nhau, tập trung quận 7, quận 8, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 Thủ Đức, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ.
Từ đầu dịch đến nay, tổng số bệnh nhân tiếp nhận tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ khoảng 5000 ca. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 450 F0. Thời gian qua, bệnh viện đã nỗ lực kéo giảm bệnh nhân chuyển nặng và tử vong nhờ trang bị hệ thống oxy lỏng đủ để trang bị 90 họng oxy vào tận giường bệnh. Từ đầu dịch đến nay có 31 trường hợp tử vong. Hiện, 1 tuần qua chưa ghi nhận số ca tử vong./.