Trong những năm gần đây, các khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành ngày càng nhiều đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế nước ta. Tuy nhiên, cuộc sống của công nhân lao động hiện đang gặp nhiều khó khăn hơn. Trong đó, lao động nữ phải chịu nhiều thiệt thòi như làm việc trong môi trường độc hại, lương thấp, gia đình chưa được “an cư” để “lạc ngiệp”.

Ước mơ giản đơn có những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, một giấc ngủ ngon và mái ấm hạnh phúc có lẽ còn xa vời với nhiều công nhân nữ. Hơn lúc nào hết, lao động nữ cần được xã hội thấu hiểu, được đối xử công bằng.

cong_nhan_3_fyur.jpg
Nữ công nhân Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam) thuê nhà ở tạm bợ với giá 600.000 đồng/tháng
5h chiều, tan ca hàng trăm công nhân trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đổ xô về cái chợ nhếch nhác, chật hẹp gần đó. Cá, thịt đã phai màu, bốc mùi tanh ương. Rau, củ thì héo úa, dập nát. Nhiều người chen chúc nhau mua thực phẩm cho kịp bữa cơm tối. Sau 1 ngày làm việc, họ chẳng còn thời gian để chú ý độ tươi ngon của thực phẩm. Trong chốc lát, hàng hoá ở chợ bán hết sạch.

Lương thấp, các công nhân dè sẻn tiền ăn cho cả nhà mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đồng. Gia đình chị Nguyễn Thị Thuý Trang, một ngày đi chợ không quá 20.000 đồng. Chị làm công nhân, chồng làm thuê bên ngoài, thu nhập của 2 vợ chồng một tháng vỏn vẹn 6 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuê nhà trọ và gửi con vào nhà trẻ đã ngốn hết 1/3 thu nhập. Đầu tháng chưa qua, cuối tháng lại đến, đồng tiền làm ra chẳng thấm vào đâu. Làm lụng cực khổ nhiều năm nhưng vợ chồng chị Trang chẳng có đồng nào lận lưng.

“Tụi em làm đồng lương có bao nhiêu đâu. Đi làm đủ 1 tháng, tiền chuyên cần cũng không được bao nhiêu, nhưng nếu nghỉ thì bị trừ đủ thứ hết. Con cái thì giao cho người khác trông giữ, mình cũng không có thời gian chăm sóc được. Đêm ngủ không được ngon giấc. Tụi em ở đây cũng hay bị mất cắp lắm. Đi làm về mà đồ không dám phơi ra ngoài. Khó khăn cùng phải chịu thôi!”, Trang chia sẻ.

Hiện nay, cả nước có hơn 2,1 triệu công nhân, trong đó tỉ lệ nữ chiếm khoảng 70%. Cường độ lao động cao rồi phải làm tăng ca, tăng giờ đã vắt kiệt sức lực của họ. Những dịp nghỉ lễ dài ngày, họ tranh thủ về thăm quê, ở nhà ngủ cho lại sức để tiếp tục làm việc. Họ không có thời gian thư giãn, giải trí, càng không dám nghĩ đến chuyện đi du lịch. Các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng chưa giải quyết được nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nghỉ ngơi và học tập của công nhân.

Bà Đỗ Thị Yên, Phó Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản…, lao động nữ chiếm số đông, chị em gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống riêng tư.

“Có những nơi đến 90% lao động nữ. Tỷ lệ như vậy chị em gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời để xây dựng tổ ấm riêng của mình. Do tình trạng mất cân bằng giới tính ở ngay các khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến tình trạng quan hệ ngoài hôn nhân, lừa tình diễn ra ở nhiều khu công nghiệp để lại những hệ lụy rất đau lòng”, bà Yên cho biết.

Công việc căng thẳng, nhiều công nhân nữ không thể chu toàn việc nhà, gia đình tan vỡ. Chị Trịnh Thị Mai quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam tâm sự, 5 năm chung sống với chồng nhưng chưa một ngày chị được bình yên. Tiền bạc bao năm tích cóp, người chồng tiêu xài sạch trơn. Chị đành ôm con đi thuê phòng trọ ở riêng. Để đủ tiền trả nhà trọ, chị phải ở chung với 2 người phụ nữ trong một căn phòng chưa đầy 12 mét vuông. Nhiều lần chị Mai thức trắng đêm cho con tròn giấc ngủ, hôm sau lại đi làm sớm.

“Một tháng thuê nhà hết 400.000 đồng, chưa kể tiền điện nước. Mình phải rủ thêm người ở chung cho đỡ tiền. Khó khăn, khổ sở nhưng phải chấp nhận chứ không biết làm sao”, chị Mai bày tỏ.

Đêm đêm nữ công nhân tìm vui với chiếc điện thoại di động
Càng ngày, giá tiêu dùng càng tăng cao mà đồng lương thì vẫn 3 cọc 3 đồng. Đời sống công nhân vốn chật vật lại càng thêm khốn khó. Nghịch lý giữa tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp với đời sống văn hoá, chất lượng cuộc sống của công nhân ngày càng rõ rệt.

Bên cạnh đó, hầu hết các nữ công nhân đều đến từ vùng nông thôn, tạo nên sức ép lớn về nhà ở. Các địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, thu hút lượng lớn lao động ngoại tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tỷ lệ công nhân được giải quyết nhà ở cũng chỉ đạt 10%.

Trước tình hình đó, vấn đề được các cơ quan chức năng đặt ra là xây nhà ở cho công nhân thuê hoặc nhân rộng mô hình “mái ấm công đoàn”. Giải pháp này được coi là điều kiện tiên quyết để cải thiện cuộc sống của công nhân, nhất là đối với lao động nữ./.