“Cai Lậy thất thủ” là từ khóa “hot” nhất trong những ngày qua, sau khi không thể vượt qua “cuộc chiến” tiền mệnh giá thấp của các lái xe khi qua trạm. Vì sao nó lại “nóng” như vậy? Câu trả lời đơn giản là người dân phản ứng là vị trí đặt trạm thu phí này sai, có vấn đề. Làm đường tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) nhưng lại đặt trạm thu phí trên QL1 để thu phí.
Trạm thu phí Cai Lậy nằm trên con đường huyết mạch nối TP.HCM và các tỉnh miền Tây, mọi phương tiện đi qua đều phải đi qua đây. Ảnh: Tùng Tin. |
Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp để giải quyết. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều ngày 17/8, lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra nhiều văn bản viện dẫn, không thừa nhận (hay không dám thừa nhận) sai lầm tại Trạm thu phí Cai Lậy - đó là vị trí đặt trạm bị dịch chuyển so với vị trí ban đầu.
BOT “không lối thoát”
Theo Bộ GTVT cả nước hiện có 77 trạm thu phí đường bộ. Trong đó trên tuyến QL1 có 26 trạm thu phí BOT, nhiều dự án BOT tiến hành bằng cách làm đường mới, tránh các đô thị nhưng vẫn gộp lại để thu trên QL1A.
Điển hình dự án BOT tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) đang bị người dân phản đối nhiều ngày qua. Tiếp đến là các dự án: BOT tuyến tránh Phủ Lý (Hà Nam) “tráng men” lại mặt đường QL1A và đặt trạm thu phí trên QL1A tại Đồng Văn (Hà Nam); dự án BOT tuyến tránh TP. Thanh Hoá thu tại trạm thu phí Tào Xuyên trên QL1A (hiện mới tạm dừng do hoàn vốn quá nhanh). Dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh đặt trạm thu phí tại cầu Bến Thủy, BOT Cầu Rác trên QL1A để thu phí cho tuyến tránh TP. Hà Tĩnh… Dự án BOT QL1A đoạn Bắc Giang- Lạng Sơn (bao gồm nâng cấp QL1A và làm tuyến cao tốc mới) đang triển khai, khi hoàn thành cũng sẽ thu phí cả hai tuyến.
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, dự án vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. |
Là người phản đối mạnh mẽ nhất việc lập trạm thu phí BOT trên tuyến đường độc đạo QL1, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, bản thân ông kiến nghị nhiều lần lên Bộ GTVT: đối với các tuyến đường khác không nói, nhưng QL1A độc đạo từ Bắc đến Nam, đường Hồ Chí Minh tuy chạy song song nhưng phía ở miền Tây, quá xa đồng bằng (chưa kể nhiều đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì không thể BOT được.
“Tôi đã nói với lãnh đạo Bộ GTVT không nên làm BOT trên QL1A vì đây là đường độc đạo. Họ giải thích rằng, QL1A xuống cấp, cần cấp bách để nâng cấp, không có BOT sẽ không làm được vì ngân sách hạn hẹp. Có thể tạm chấp nhận cách giải thích đó nhưng sau đó, có rất nhiều dự án chưa thực sự cấp bách nhưng vẫn làm trên đường độc đạo hoặc làm đường mới nhưng thu phí luôn cả đường cũ là khó chấp nhận”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, các trường hợp trạm thu phí “không lối thoát” trên QL1A, trên các tuyến quốc lộ khác hiện còn rất nhiều. Điển hình như dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình (gắn với tăng cường mặt đường QL6) cũng thu phí cả hai tuyến; BOT QL3 Thái Nguyên - Bắc Kạn, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), Trạm thu phí QL2 cầu Việt Trì, QL 39 Kiến Xương (Thái Bình)...
Đối với các dự án BOT này, Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm. Trong đó, Quyết định đầu tư ghép việc cải tạo nâng cấp QL6 với đầu tư xây dựng mới đường Hoà Lạc - Hoà Bình thành một dự án và đặt trạm thu phí ở cả 2 tuyến là bất hợp lý. Việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến QL6 để bù đắp vốn đầu tư đoạn tuyến Hoà Bình-Hoà Lạc trong khi không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc.
Với tuyến từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) cũng sẽ thu trên cả QL3 và tuyến mới Thái Nguyên - Chợ Mới.
Trạm thu phí BOT QL6 được xem là "có vấn đề" khi chỉ "tráng men" trên con đường độc đạo và "xẻ" đôi thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) để đặt trạm thu phí đã bị người dân nhiều lần phản đối. Điển hình là vụ chặn xe của đoàn Đại biểu Quốc hội để "dâng sớ" phản đối. |
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, quy hoạch phát triển giao thông được phê duyệt thì tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có chiều dài 28km nhưng quyết định đầu tư đã phê duyệt quy mô đầu tư lớn hơn nhiều so với quy hoạch, cụ thể phê duyệt chiều dài tới 40,7km. Làm tăng tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra cho biết dự án được phê duyệt bao gồm cả việc cải tạo nâng cấp mở rộng Km93 đến Km100 Quốc lộ 3 cũ.
“Theo quy định về quản lý hệ thống giao thông thì việc cải tạo nâng cấp đoạn tuyến QL3 phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng Bộ GTVT đã phê duyệt ghép vào dự án BOT là không đúng quy định hiện hành”- Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Cơ quan thanh tra khẳng định, nội dung quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km QL3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên- Chợ Mới và sẽ đặt thu phí ở 2 nơi là không hợp lý.
Trách nhiệm của Bộ GTVT
Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nói chung trong lĩnh vực giao thông thuộc diện đầu tư công, cho nên đáng lẽ mọi trình tự từ lập dự án, lựa chọn nhà thầu, quyết toán công trình...đều phải theo nguyên tắc đầu tư công.
Nhưng theo kết luận thanh tra vừa công bố, 100% các dự án BOT giao thông khu vực phía Bắc (thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015), được thực hiện không thông qua đấu thầu công khai (chỉ định thầu). Con số đấu thầu công khai trên toàn quốc cũng cực kỳ khiêm tốn, chỉ duy nhất một dự án đấu thầu.
Trạm thu phí BOT Cầu rác cũng được xem là "đặt nhầm chỗ". |
Chủ trương thu hút đầu tư xây dựng đường quốc lộ theo hình BOT là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, khi thực hiện lại mắc quá nhiều sai phạm, gây ra quá nhiều bức xúc khi thực hiện.
Có thể khẳng định, chính sự thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh trong các dự án BOT đã tạo cơ hội cho nhóm lợi ích và ở đó chỉ nhà đầu tư, nhóm lợi ích được hưởng lợi.
Thừa nhận việc này, Bộ GTVT lý giải việc chỉ định nhà đầu tư BOT thay vì đấu thầu công khai là vì tính cấp bách của dự án, trong khi hầu hết các dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm... Điều này khiến cho dư luận có quyền hoài nghi và đặt câu hỏi, liệu có sự “bắt tay, chia chác” các dự án BOT?
Với cách “chia dự án” như vậy, đương nhiên sẽ chỉ chọn được những nhà đầu tư yếu kém, không đủ tiềm lực tài chính, “tay không bắt giặc” và làm méo mó các dự án BOT hiện nay.
Trạm thu phí Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh Văn Chương. |
Tất cả các sai phạm như phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ... hệ quả của việc vi phạm pháp luật về đầu tư công như đã nói ở trên cần người đứng đầu ngành giao thông xử lý rứt điểm.
Lời hứa của Bộ trưởng GTVT
Còn nhớ sáng 9/4/2016, Quốc hội bấm nút bầu ông Trương Quang Nghĩa làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Sau khi nhận chức, tân Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ không làm BOT trên tuyến đường hiện hữu và để người dân có quyền lựa chọn.
Tại Hội nghị tổng kết sáu tháng cuối năm 2016 được tổ chức sáng 12/72016, ông Trương Quang Nghĩa yêu cầu tất cả các dự án BOT đều phải quyết toán xong mới được thu phí để tăng tính minh bạch và thuyết phục với người dân...
Tuyên bố của tân Bộ trưởng cho thấy sự quyết tâm giải quyết tồn tại các dự án BOT vốn đã bị dư luận phản ứng gay gắt những năm qua, nhưng chưa được xem xét thấu đáo. Tuy nhiên, ông đã không dùng hết quyền của mình để ngăn trạm Cai Lậy mọc lên trên QL1. Đáng buồn hơn khi phóng viên hỏi tại sao trạm Cai Lậy chưa quyết toán vẫn được thu phí, lập tức Bộ GTVT đưa ra các nghị định, thông tư để biện minh cho chỉ đạo của người đứng đầu ngành.
Với một tư lệnh ngành, người dân chỉ biết ông là Bộ trưởng và đã làm gì cho dân. Họ không quan tâm đến nỗi buồn của ông tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như vòng vo không nhìn vào sự thật./.