Những sai sót, bất hợp lý của một số dự án BOT, BT của Bộ Giao thông Vận tải mà Thanh Tra Chính phủ vừa chỉ ra cho thấy, nếu nhà quản lý, nhà doanh nghiệp chỉ chăm chăm cho lợi ích bản thân, không quan tâm đến lợi ích của khách hàng, lợi ích của cộng đồng sẽ bị phản ứng và rất khó thực thi.

vov_on_u_1_ahxa.jpg
Trạm Thu Phí Cai Lậy
Phải khẳng định, việc xây dựng các dự án BOT trong giao thông ở khu vực ĐBSCL hiện nay là hết sức cần thiết. Bởi được mệnh danh là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước; nơi đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia nhưng giao thông ở ĐBSCL hiện được coi là phát triển chậm nhất cả nước.

Hàng hóa nông sản và sự đi lại của hàng triệu cư dân đồng bằng từ Cà Mau đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại lâu nay chủ yếu thông qua quốc lộ 1A, trong đó đoạn qua Tiền Giang là đoạn kết nối cực kỳ quan trọng.

Vào các dịp lễ, tết, giờ cao điểm, tuyến quốc lộ 1A từ Mỹ Thuận – Trung Lương luôn trong tình trạng quá tải, ùn ứ.

Người, xe chen lấn gây biết bao hệ lụy, đẩy chi phí giá cả hàng hóa nông sản phục vụ cả nước ngày càng cao. Nhiều năm qua, các tỉnh trong vùng luôn mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Mỹ Thuận- Trung Lương và Mỹ Thuận – Cần Thơ nhưng các dự án vẫn triển khai ì ạch với việc giải phóng mặt bằng được vài cây số mặc dù Chính phủ yêu cầu cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận phải xong trong năm 2019.

Ùn ứ giao thông trước trạm thu phí Cai Lậy ( Ảnh: Nhật Trường/VOV ĐBSCL)
Để giải tỏa ách tắc, tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần đề nghị xây dựng tuyến tránh cho thị xã Cai Lậy bằng ngân sách nhà nước. Sau nhiều lần thương thảo, năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải đã trình phương án xây dựng dự án tuyến tránh Cai Lậy và được Chính phủ đồng ý.

Tháng 9/2013, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) ký quyết định công bố dự án tuyến tránh này theo hình thức BOT dài 12 km, tổng kinh phí 1.700 tỷ đồng.

Ba tháng sau, ông Thể ký tiếp quyết định phê duyệt dự án tuyến tránh và thay đổi tên  thành "Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường theo hình thức hợp đồng BOT". Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Phần bảo trì, tăng cường Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 14 cầu. Và Liên doanh nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 đã theo Kế hoạch này để triển khai dự án.

Đến thời điểm này khi nhà đầu tư đặt trạm thu phí ngay “yết hầu” giữa Quốc lộ 1A và tuyến tránh, với những “lùm xùm” quanh việc thu phí, thông tin chi tiết về dự án mới được người dân biết đến.

Điều này giải thích cho việc khi trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, chỉ giảm mức phí chứ không thể di dời trạm thu phí vào tuyến tránh và nhà đầu tư tỏ ra “giận dỗi” khi nói rằng sẽ trả lại nhà nước nếu phải di dời trạm thu phí.

Từ đây nhiều cán bộ và chủ phương tiện cùng nhân dân ở ĐBSCL cho rằng, phải chăng do quá rành lưu lượng xe qua lại quốc lộ 1A là vô cùng lớn với hơn 50.000 xe/ngày, Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư đã có sự thỏa thuận rằng, khi làm tuyến tránh, đồng thời làm thêm một phần tăng cường nhựa cho quốc lộ 1 A nhà đầu tư sẽ được đặt trạm thu phí tại quốc lộ 1A để thu hồi vốn và tìm kiếm lợi nhuận.

Vấn đề đặt ra là phần tăng cường lẽ ra phải do ngân sách nhà nước lấy từ phí đường bộ hàng năm để duy tu sửa chữa, nhưng Bộ Giao thông Vận tải mới đây mới lý giải là do ngân sách không đủ nên để cho nhà đầu tư làm. Mặt khác chưa biết con số 300 tỷ đầu tư cho phần trải nhựa tăng cường là đúng hay không nhưng hiện  đoạn đường này đang xuống cấp nghiêm trọng với các vết nứt, vết rạn thấy rõ.

Rõ ràng một chủ trương thiết thân, lập trạm thu phí liên quan đến “cơm, áo, gạo, tiền” hàng ngày của hàng triệu cư dân đồng bằng như vậy mà Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư lại  tham vấn chính quyền, hiệp hội, HTX vận tải và đại diện nhân dân các địa phương một cách chưa rõ ràng và làm công tác truyền thông chưa tốt nên chỉ mới đưa vào hoạt động đã gây ra phản ứng và bức xúc trong nhân dân.

Điều người dân ĐBSCL quan tâm nhất hiện nay là cần minh bạch rõ số tiền mà nhà đầu tư đã bỏ ra để làm tuyến tránh và phần tăng cường. Riêng phần tăng cường phải do ngân sách làm và hoàn vốn cho nhà đầu tư. Trạm thu phí phải đặt về đúng vị trí là tuyến tránh để người sử dụng dịch vụ, người đi đường sẽ trả khi lưu thông với mức phí hợp lý.

Bởi nếu việc lạm thu, bắt chẹt theo cách làm của chủ đầu tư những ngày qua không chỉ gây bức xúc mà vô tình buộc người, phương tiện, hàng hóa lại phải “cõng” thêm phần chi phí khi lưu thông từ ĐBSCL - TP Hồ Chí Minh và hệ quả là tác động xấu nên nền kinh tế.

Hiện nay, tại ĐBSCL không chỉ có dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy, Tiền Giang mà các trạm thu phí trên quốc lộ 1A Sóc Trăng, Bạc Liêu; quốc lộ 91 Cần Thơ, An Giang cũng còn nhiều “lùm xùm”; hậu quả là các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đang xuống cấp trầm trọng do các phương tiện” né trạm”.

Câu hỏi đặt ra là: đường sá rộng, thoáng, rút ngắn cự ly được coi là một dịch vụ tốt nhưng tại sao các phương tiện lại vẫn cứ chọn đi đường cũ, đường làng (dịch vụ thấp, chi phí cao) để đi?

Đối với người dân ĐBSCL, hàng năm rất nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất đai, ruộng vườn để nhà nước làm đường sá, cầu cống với mong muốn hàng hóa nông sản lưu thông được thuận lợi; quê hương khang trang, đổi mới. Do vậy mọi người đều đồng lòng, đồng sức sẵn sàng chi trả cho chi phí mà nhà quản lý, nhà đầu tư đã vì nhân dân phục vụ.

Vì thế khi làm các dự án BOT hay bất cứ lĩnh vực nào, nhà quản lý, nhà đầu tư hãy vì dân phục vụ sẽ được đáp lại thỏa đáng, không sợ bị phụ công; nói như người dân Nam bộ là nên tránh tình trạng chưa phục vụ tốt mà đã  “tính khôn” với bà con./.