Những ngày qua, từng dòng người đến nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để thắp nén tâm nhang, viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong dòng người đó, có những người đã từng được gặp Đại tướng.

Với ông Hoàng Ngọc, dân tộc Tày, ở thôn Tân Lập, năm nay đã 77 tuổi, thì hình ảnh về người Đại tướng quyết đoán trong chỉ huy và chiến thắng quân thù, nhưng lại rất đỗi giản dị và gẫn gũi trong đời thường vẫn in đậm trong tâm trí, khắc sâu trong trái tim ông.

tuyen-quang1_copy.jpg
Dòng người đến Viếng Đại tướng tại nhà văn hóa thôn Tân Lập

Ông Ngọc kể: Năm 1945, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sống, làm việc và hoạt động cách mạng tại Tân Trào, lúc đó ông mới lên 8 và là nhi đồng cứu quốc. Ông đã nhiều lần được gặp Đại tướng, được Đại tướng căn dặn học hành.

Lớn lên đi lính và thật may mắn, ông lại được làm người lính dưới sự chỉ huy của Đại tướng nên hơn ai hết, ông Ngọc cảm nhận được sâu sắc tình cảm mà Đại tướng dành cho những người lính của mình cũng như người dân địa phương Tân Trào. Ông Ngọc không giấu được cảm xúc trước sự ra đi của một vị tướng mà ông cũng như người dân Tân Trào luôn coi như người ông, người cha trong gia đình.

“Chúng tôi là những người rất nhớ Đại tướng, nhưng đau thương biến thành hành động, sẽ nhớ lại những lời Đại tướng căn dặn. Sau này Đại tướng về thăm lại nhân dân Tân Trào, người căn dặn chúng tôi phải làm giàu cho gia đình, làm giàu cho Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh”.

Ông Hoàng Ngọc, cậu bé nhi đồng cứu quốc năm xưa được gặp Đại tướng

May mắn được một lần gặp Đại tướng, bà Từ Thị Dậu, ở thành phố Tuyên Quang xúc động kể: “Năm 2004, có dịp Đại tướng về Tuyên Quang thăm Công ty chè Sông Lô, lúc đó tôi làm ở nhà khách nên có may mắn gặp và chụp ảnh chung với Đại tướng. Khi tiếp xúc với cán bộ công nhân viên Công ty chè, Đại tướng rất gần gũi, thân thương và rất quần chúng. Chính vì những tình cảm đó khiến chúng tôi rất trân trọng người. Hôm nay, tôi đưa gia đình, ông thông gia, con rể, con gái và các cháu đến thắp nén nhang tưởng niệm người đã có công lao lớn nhất trong lĩnh vực quân sự, gìn giữ bảo vệ Tổ quốc đến ngày hôm nay”.

Vượt gần 500km về với Tân Trào, hòa vào dòng người đến viếng, tiễn biệt vị Đại tướng tài của dân tộc tại nhà văn hóa thôn Tân Lập, ông Nguyễn Văn Cường, ở Quảng Ninh nghẹn ngào chia sẻ: Trong 3 tháng hoạt động tại Tân Trào, vinh dự được là người lính dưới sự chỉ huy của Đại tướng, nên ông cảm nhận rất rõ về vị tướng biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Đại tướng luôn tìm ra cách đánh vừa độc đáo, vừa sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất nhưng luôn làm sao để hạn chế mức thấp nhất thương vong cho tướng sỹ của mình.

Cả nước đang tiếc thương trước sự ra của vị tướng anh hùng và với những người đã từng được sống, làm việc, chiến đấu cùng Đại tướng thì nỗi đau này dường như bị nhân nhân gấp bội. Mất Đại tướng, họ như mất đi một phần máu thịt mình./.