Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, việc nhập khẩu trang thiết bị y tế kém chất lượng đã tồn tại từ lâu, nhưng Bộ Y tế chưa có giải pháp xử lý triệt để, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đây là hình thức gian lận thương mại tồn tại lâu nay.
Theo Nghị định 12/2006 của Chính phủ, sau này thay thế bằng Nghị định 187, đối với trang thiết bị là loại hàng hóa đặc biệt chăm sóc sức khỏe, thì hàng nhập khẩu phải mới 100%. Đối với những loại hàng cho dưới dạng quà biếu hoặc các chương trình nhân đạo của nước ngoài, thì cũng cần thẩm định giá trị sử dụng ít nhất là 80%.
Bộ trưởng khẳng định, vừa qua các doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị y tế đã có hành vi gian lận thương mại. Ngành Y tế cấp giấy phép nhập khẩu dựa toàn bộ trên hồ sơ, trong khi đó hồ sơ khẳng định là hàng mới 100%. Doanh nghiệp “lách” được ở khâu thông quan tại hải quan. Theo đó đối với hai luồng hàng xanh và đỏ, doanh nghiệp tự khai báo trên làn xanh để không bị kiểm tra. Tuy nhiên, khi hải quan nghi ngờ và kiểm tra thì phát hiện nhiều lô hàng sản xuất cách đây là chục năm.
Theo Bộ trưởng, giải pháp để ngăn chặn tình trạng này đó là phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan và các cơ quan ban ngành, với đề xuất: Vì những trang thiết bị chăm sóc sức khỏe nên không phân biệt luồng xanh hay đỏ, mà tất cả cần được kiểm tra. Bên cạnh đó, quá trình cấp phép đều có hướng dẫn và có hội đồng độc lập, khách quan.
“Hiện mỗi tuần có 30 – 40 đơn hàng cần được xem xét, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, ở mức cao hơn là mức 3 - ở các nước có thể mức 4 là có thể chỉ qua mạng. Trong quá trình cải cách hành chính, nhiều doanh nghiệp sẽ tranh thủ. Cho nên chúng tôi sẽ đề nghị với các cơ quan thủ tục hành chính, là đối với mặt hàng đặc biệt cho sức khỏe, cho phép đòi hỏi những giấy tờ căn cơ hơn, không thể đơn giản hóa thủ tục. Có những trường hợp sẽ cùng hải quan ra hiện trường để kiểm tra” – bà Tiến khẳng định./.