Ngày 8/3, nhiều người dân lại cùng nhau dán băng rôn lên thân xe ô tô với nội dung “Phản đối vị trí và cách tính phí của BOT Biên Cương” và cùng nhau đến trước cổng trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh Quảng Ninh để nộp đơn kiến nghị. Tuy nhiên, các băng rôn, khẩu hiệu này ngay sau đó bị lực lượng chức năng chặn lại, bóc băng rôn, dẫn đến việc hai bên xảy ra tranh cãi và đơn của người dân không được gửi đi.

bc7_lntv.jpg
Người dân TP. Cẩm Phả dán băng rôn lên xe ô tô để phản đối trạm thu phí BOT Biên Cương ngày 8/3. Ảnh: CTV.

Sau đó, khoảng 20 người dân được mời vào trụ sở làm việc, phần lớn là những hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Cẩm Phả. Ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh được phân công trả lời những kiến nghị của người dân.

Chị Phạm Thị Kim Dung (phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) phản ánh, vị trí đặt trạm ngay trong khu nội thị là bất hợp lý, đây cũng là “ngã ba yết hầu” của TP. Cẩm Phả. Chị Dung yêu cầu tỉnh xác định lại vị trí trạm BOT, nếu không đúng thì phải di dời.

Trước đó, ngày 22/2, hàng trăm người dân cùng tài xế đã kéo đến trạm thu phí BOT Biên Cương để phản đối. Sau 2 tiếng ùn ứ kéo dài, BOT Biên Cương buộc phải xả trạm. Ảnh: CTV.

“Đường mới hoàn toàn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chúng tôi vẫn vui vẻ trả phí. Còn đây chỉ là dự án nâng cấp sửa chữa, trong khi chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ”, chị Dung bức xúc.

Theo chị Dung, trạm có chính sách miễn, giảm cho những phường lân cận, nhưng chỉ miễn cho xe cá nhân, còn xe doanh nghiệp không được miễn giảm.

Rất nhiều xe ôtô đỗ tại khu vực chùa Cái Bầu, huyện Vân Đồn sáng 8/3, được dán băng rôn khẩu hiệu phản đối trạm thu phí BOT Biên Cương. Ảnh: Minh Cương.

“Khi trạm thu phí được đặt tại đây, người dân quanh trạm chịu ảnh hưởng vì các chi phí lương thực, thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ đều tăng”, một người đàn ông cho hay.

Anh Phạm Trường Thắng (thuộc một doanh nghiệp ở Cẩm Phả) nêu quan điểm, tuyến BOT giúp việc đi lại thuận tiện hơn, tuy nhiên, không rõ dựa trên cơ sở gì mà trạm BOT lại đặt ở vị "yết hầu" giao thông, vì sao lại áp mức giá như đường xây mới. "Đây là con đường người dân sử dụng từ bao đời nay. Tại sao người dân không có quyền được lựa chọn", anh nói.

Vị trí trạm thu phí BOT Biên Cương nằm tại ngã ba "yết hầu" giao thông của TP Cẩm Phả. Ảnh: Google Map.

Chung quan điểm, chị Vũ Thị Đào (phường Cẩm Sơn) việc đặt trạm không hợp lý khiến nhiều người không đi hết đoạn đường mà phải trả phí cho cả tuyến.

“Trước đây gia đình tôi đi ra đền Cửa Ông, gọi taxi từ nhà đến nơi mất có 100.000 đồng, bây giờ gọi taxi, họ tính 170.000 đồng, trong đó có 70.000 đồng mình phải trả phí BOT. Nói thật với các anh, tôi nói với mẹ đẻ tôi là giờ có muốn đi thăm bà cũng phải tính, vì phải trả phí BOT”.

Băng rôn, khẩu hiệu được dán trên các thân xe. Ảnh: CTV.

Theo những người dân ở TP. Cẩm Phả phản ánh, QL18 đi qua Cẩm Phả, về Móng Cái là đường độc đạo của dân đi lại. Đây chỉ là dự án nâng cấp và sửa chữa, có tráng men một lớp nhựa mỏng và mở rộng 2m đường, nhưng thu phí 35.000/lượt, như vậy là quá đắt. Hơn nữa, 2 trạm BOT Đại Yên và BOT Biên Cương chỉ cách nhau có 54 km, như vậy cũng là không đúng quy định.

“Việc chủ đầu tư đặt trạm BOT ở đây là có sự tính toán khá kỹ. Trạm được đặt trong khu dân cư, gần như chia đôi TP. Cẩm Phả ra, thành ra đây là bức xúc của toàn dân”, một người dân cho hay.

“Việc đặt trạm ở đây có thể tận thu được phí xe đi qua Vân Đồn, vì người dân đi du lịch Cô Tô, Minh Châu, Quan Lạn và Đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu…, tất cả người dân thành phố này bắt buộc phải đi qua đây hết, vô lý quá nên chúng tôi mới phản đổi”, anh Hòang, một người dân có ý kiến.

Theo những người dân ở Cẩm Phả, đây chỉ là dự án nâng cấp và sửa chữa, có tráng men một lớp nhựa mỏng và mở rộng 2m đường, nhưng thu phí 35.000/lượt, như vậy là quá đắt.

Trả lời những kiến nghị của người dân, ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án BOT này là hợp phần của hai tuyến đường: một là tuyến cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương; hai là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và tổng thể là một dự án.

“Khi nâng cấp QL18A đoạn Hạ Long - Mông Dương, Cẩm Phả đã thay da đổi thịt. Vậy phải khẳng định chủ trương này là đúng”, ông Hợp nói. Ông cho hay sẽ đưa danh sách kiến nghị của từng người đến thành phố Cẩm Phả xác minh và có đề xuất giải quyết. Những nội dung phản ánh sẽ được trả lời trước ngày 15/3.

Liên quan đến vị trí đặt trạm, ông Hợp nói Bộ GTVT và Bộ Tài chính chấp thuận "theo đúng quy định, không có gì sai". Còn trong quá trình xử lý, trạm BOT có những bất cập sẽ từng bước được giải quyết./. 

- Trước đó, ngày 22/2, hàng trăm người dân cùng tài xế đã kéo đến trạm thu phí BOT Biên Cương để phản đối. Sau 2 tiếng ùn ứ kéo dài, BOT Biên Cương buộc phải xả trạm lúc 17h. Tuy nhiên, đến khoảng 20h người dân và tài xế tiếp tục đến trạm phản đối, một số người dùng kèn thổi để phản đối việc thu phí. Quốc lộ 18 tiếp tục ùn tắc kéo dài, doanh nghiệp xả trạm lần hai vào lúc 22h.

-Trước việc người dân và tài xế tập trung phản đối trạm thu phí BOT, khiến QL18 đoạn đoạn Cẩm Phả ùn tắc kéo dài, lực lượng chức năng đã được chính quyền địa phương điều động đến trạm BOT Biên Cương để đảm bảo an ninh, trật tự.

- Dự án cải tạo nâng cấp QL18A đoạn Hạ Long - Mông Dương có tổng chiều dài 38,5 km, do Công ty cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư. Mức đầu tư cho dự án khoảng 2.000 tỷ đồng gồm cả giải phóng mặt bằng.

- Dự án này được nâng cấp trên cơ sở quốc lộ 18A cũ bắt đầu tại km132+330 thuộc phường Hà Tu (TP. Hạ Long), điểm cuối là nút giao giữa quốc lộ 18A với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (TP. Cẩm Phả).