Thông tin từ Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi (NCT) 1/10, Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế (HelpAge International) đã công bố tài liệu “Chỉ số già hóa dân số trên thế giới” 2015.

Tài liệu tổng hợp số liệu của 96 quốc gia về các chỉ số về phúc lợi xã hội, kinh tế đối với NCT. Chỉ số già hóa dân số khảo sát 91% NCT trên 60 tuổi (khoảng 901 triệu người) trên thế giới, tập trung vào những yếu tố tác động tới NCT như: an ninh thu nhập, sức khỏe, năng lực cá nhân và môi trường phù hợp.

nguoi_cao_tuoi_ywmn.jpg
Quyền của người cao tuổi vẫn chưa được quan tâm đúng mức (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo này, Thụy Sỹ là nước có môi trường sống tốt nhất cho NCT (xếp thứ 1), tiếp đó là Na-Uy. Trong số 10 nước đứng đầu, trừ Nhật Bản xếp thứ 8 thì tất cả đều là các nước thuộc khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Afghanistan là nước xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng (thứ 96) .

Có 23 nước thuộc châu Á Thái Bình Dương với số NCT chiếm 52%  tổng số NCT của thế giới được xếp hạng. Trong số này có 8 nước thuộc ASEAN, cụ thể là Thái Lan xếp vị trí 34, Việt Nam xếp vị trí 41, nằm trong nửa trên của bảng xếp hạng. Còn lại là Philippines xếp thứ 50, Indonesia 74, Campuchia 80 và Lào 83.

Báo cáo khẳng định, Nhật Bản là nước xứng đáng với thành tích trên là nhờ cả một quá trình đạt được những chính sách xã hội tiến bộ. Ngày nay, Nhật Bản là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới với nhiều người siêu già (33% dân số là NCT trên 60 tuổi) và tiếp tục là nước dẫn đầu trong các chính sách và chương trình dành cho NCT.

Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Philippines, Campuchia đang rất khuyến khích thành lập Hội NCT. Đó là những tổ chức dựa vào cộng đồng nhằm liên kết NCT với nhau, tạo điều kiện giao lưu xã hội, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ, quyền và lợi ích và tạo cơ chế phát huy môi trường phù hợp cho NCT.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, tại nhiều nước, các quyền của NCT vẫn chưa được các quốc gia quan tâm đúng mức, ngay cả khi có luật quy định. Theo đó, vẫn còn tình trạng kỳ thị tuổi tác, phân biệt đối xử trong quyền lợi; NCT đối mặt với tình trạng không được tiếp cận quyền lợi; trách nhiệm chăm sóc và phụng dưỡng của con cháu và cộng đồng ngày càng suy giảm khiến nhiều NCT bị bỏ rơi, ốm đau không ai chăm sóc. NCT vẫn bị bạo hành và cứ 3 NCT thì có 1 người bị ngược đãi.

Ông Eduardo Klien Giám đốc tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc Tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đề xuất: “Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về NCT, không chỉ thấy NCT là nhóm người dễ bị tổn thương; mà phải thấy NCT cũng là nguồn lực của xã hội, họ có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, khả năng, nhiệt tình và lý do để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của xã hội”./.