Thông tin từ Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam cho biết: Năm 2014 có 91 quốc gia được xếp hạng về Chỉ số Theo dõi già hóa toàn cầu. Bộ chỉ số xếp hạng này đánh giá dựa trên 4 nhóm tiêu chí là: An sinh thu nhập; Sức khỏe; Phát huy vai trò NCT và Môi trường sống của NCT. Na Uy là nước xếp hạng 1 về các chỉ số xếp hạng dành cho NCT.
Việt Nam xếp hạng trung bình (thứ 45) về mặt tổng thể trong tổng số 91 nước được xếp hạng. Trong đó chỉ số được xếp hạng cao nhất là Môi trường sống (thứ 31), cao hơn mức trung bình trong khu vực với 3 trong 4 chỉ số là: mối liện hệ xã hội (73%), mức độ tự do trong cuộc sống (78%) và mức độ hài lòng với phương tiện giao thông công cộng (71%). Thứ hạng Sức khỏe xếp thứ 36 với các chỉ số cao hơn mức trung bình của khu vực.
An sinh thu nhập được xếp hạng thứ 70 vì độ bao phủ lương và trợ cấp xã hội thấp hơn mức của khu vực (chỉ đạt 43,8%), lý do là độ tuổi nhận trợ cấp xã hội cao (đủ 80 tuổi trở lên). Xếp hạng về Phát huy vai trò NCT là thấp nhất trong 4 chỉ số xếp hạng (thứ 71) vì tỉ lệ biết chữ của NCT thấp và tỉ lệ NCT vẫn đang làm việc khá cao chiếm 69,5% trong tổng số NCT. Khoảng 51% NCT biết đọc và biết viết, 69,6% NCT có trình độ giáo dục cơ bản là tiểu học hoặc xóa mù chữ.
Theo Hội NCT Việt Nam, hiện nay khoảng 26% NCT có lưởng hương, 16% NCT (1,5 triệu người) đang nhận các hình thức bảo trợ xã hội, trong đó có khoảng 1,3 triệu NCT từ 80 tuổi trở lên. Như vậy mức độ bao phủ chung của trợ cấp xã hội chiếm tỉ lệ 43,8%.
Về y tế, hiện nay hệ thống y tế chưa đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho NCT do thiếu bác sĩ chuyên ngành lão khoa, thiết bị, cơ sở vật chất và ngân sách cần thiết.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê quốc tế và tại Việt Nam thì hiện có 69,5% NCT trong độ tuổi 55 - 64 và 60% NCT trong độ tuổi 60 - 69 vẫn đang làm việc hàng ngày. Công việc chủ yếu của NCT là làm việc nhà và không có thu nhập. Tỉ lệ làm việc cũng khác nhau theo độ tuổi, khu vực và giới tính, cụ thể là NCT nam và NCT tại các khu vực nông thôn thường làm việc nhiều hơn NCT nữ và NCT tại các thành thị./.