Hiện nay, Việt Nam có trên 400 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của các tầng lớp nhân dân, trong những năm gần đây, số lượng các trường ĐH, CĐ công lập tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, mặc dù được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về đất đai để xây dựng, đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và cung cấp ngân sách cho đào tạo nhưng nhiều trường hoạt động không hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do chất lượng giảng dạy không đáp ứng được yêu cầu xã hội vì thiếu đội ngũ giảng viên chất lượng cao có học hàm, học vị cao.
Mặc dù năm nào, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cũng tổ chức lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho hàng trăm nhà giáo nhưng vẫn không thể bù lấp đầy cho sự thiếu hụt giảng viên ở các trường ĐH, CĐ.
Ngoài sự thiếu hụt đội ngũ có học hàm, học vị cao ở các trường ĐH, CĐ, còn có một thực tế đáng buồn là hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học rất công phu của các GS, PGS đã được công bố rộng rãi nhưng vẫn đang bị “đắp chiếu” hoặc xếp vào “ngăn kéo”, chưa được đầu tư để ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống.
Vì sao lại xảy ra thực trạng trên và chúng ta cần làm gì để khắc phục sự bất cập đó, phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS, TSKH, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.
Thiếu giảng viên có học hàm, học vị cao ảnh hưởng lớn đến giáo dục ĐH
PV:Thưa GS, trong những năm gần đây, số lượng các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam tăng lên một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao là GS, PGS, Tiến sĩ công tác tại các cơ sở đào tạo còn rất ít. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
GS Phạm Minh Hạc: Có thể nói, phần lớn số GS, PGS công tác tập trung ở Hà Nội nhiều nhưng ở các tỉnh, thành khác lại rất ít. Ví dụ như khoa Tâm lý giáo dục tại một trường ĐH ở Hà Nội có đến gần 20 GS, PGS nhưng cũng khoa này ở ĐH Sư phạm TP HCM chỉ có 1 đến 2 người.
Hiện nay, cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ, trong đó có 300 trường là ĐH. Ở những vùng sâu, vùng xa như Phú Yên, Bạc Liêu, số lượng GS, PGS rất ít, thậm chí học vị Tiến sĩ cũng đếm trên đầu ngón tay.
Số lượng các trường ĐH, CĐ tăng lên nhanh chóng nhưng số GS, PGS còn ít, phân bổ không đồng đều đã cho thấy sự thiếu hụt lớn về đội ngũ giảng viên chất lượng cao cho các cơ sở đào tạo.
Với dân số hơn 90 triệu dân, Việt Nam chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên/vạn dân (kể cả số GS, PGS đã mất hoặc đã nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 sinh viên/1 GS hoặc PGS. Trong khi đó, ở CHLB Đức, số lượng và cả chất lượng GS cao hơn Việt Nam nhiều (trong 1 vạn dân có 3 GS và cứ 59 sinh viên có 1 GS). Như vậy, đội ngũ GS, PGS ở nước ta, khá “mỏng” về số lượng và cả chất lượng. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục ở bậc ĐH, CĐ.
PV:Thưa GS, trước việc số lượng GS, PGS ở các tỉnh, thành phân bổ không đồng đều như hiện nay, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
GS Phạm Minh Hạc: Trước kia, việc phong tặng chức danh GS, PGS đều được ghi trong giấy chứng nhận. Thế nhưng, hiện nay, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước chỉ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận cho các nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Nếu trường ĐH, CĐ nào cần GS, PGS phù hợp với các chương trình giảng dạy của trường thì sẽ phong chức danh cho họ sau.
Hiện nay, hầu như các trường ĐH, CĐ đều phải mời các GS, PGS đến trường giảng dạy theo hình thức thỉnh giảng trong thời gian 1 đến 4 tuần. Chính sự bất cập này đã khiến cho chất lượng giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ còn yếu kém.
Để thu hút đội ngũ GS, PGS về những vùng khó khăn giảng dạy thì cần phải có những chính sách ưu đãi của Nhà nước và nhà trường đối với họ. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần có sự điều hành linh hoạt sử dụng đối với những GS, PGS trẻ hay ở độ tuổi 45 đến 50 về công tác, giảng dạy ở những vùng, miền khó khăn.
Công trình khoa học của GS, PGS phải được ứng dụng vào đời sống
PV: Thưa GS, để được công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, nhiều người cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là cần phải có các bài báo, công trình đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?
GS Phạm Minh Hạc: Nhật Bản là một nước phát triển về kinh tế nhưng những nhân tài của họ không chạy đua để giành giải Nobel này, Nobel khác mà chỉ tập trung vào nghiên cứu, sản xuất... Nước này cũng luôn chú trọng để làm sao xây dựng đất nước hưng thịnh và có được nền giáo dục phát triển tốt nhất.
Còn Hàn Quốc là nước ở khu vực Đông Bắc Á cũng rất quan tâm đến việc thu hút nhân tài làm việc ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nên thu nhập của những người có trình độ và người dân tương đối cao.
Theo tôi, việc một nghiên cứu sinh muốn trở thành PGS, GS là phải có bài đăng trên các báo, tạp chí quốc tế uy tín là cần thiết. Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng việc động viên lực lượng này đóng góp trí tuệ, công sức trong nhiều lĩnh vực cho phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng đất nước. Đặc biệt là ở từng vùng miền, địa phương khó khăn.
Việt Nam còn là một nước nghèo, thu nhập chưa được 2.000 USD/người nên cần tập trung đầu tư phát triển ở trong nước là chính chứ không nên quá coi trọng ưu tiên đến việc nhân tài phải có những bài, công trình nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí quốc tế.
Một bài báo, công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thì sẽ có nhiều người đọc và giới nghiên cứu biết đến. Tuy nhiên, nếu bài báo, công trình đó chỉ được công bố nhưng sau đó lại bị cất vào “ngăn kéo” thì chẳng có tác dụng gì. Hiện nay, ở nước ta, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố rất hoành tráng nhưng đều bị “đắp chiếu” để đấy, không nhận được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để các GS, PGS, Tiến sĩ mở rộng nghiên cứu, ứng dụng trên thực tế cuộc sống nên chẳng có tác dụng phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo tôi, nếu công trình khoa học được công bố nhưng lại bị để trong “ngăn kéo”, “đắp chiếu” ở một chỗ nào đó thì sự đầu tư của Nhà nước là quá đắt. Còn ngược lại, công trình đó thực sự mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thì sự đầu tư của Nhà nước lại là quá rẻ và chưa trả tiền xứng đáng cho những tác giả nghiên cứu, phát hiện ra chúng.
Theo tôi, trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý của Nhà nước phải biết sử dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng có học hàm, học vị cao bằng cách quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để những công trình nghiên cứu khoa học của họ có thể phục vụ mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống nhân dân ở tất cả các vùng, miền trên cả nước.
PV: Xin cảm ơn GS!./.