Nghiên cứu khoa học là một công việc khó khăn nhưng đầy cảm hứng sáng tạo. Làm khoa học là một nhiệm vụ vinh quang mà Nhà nước giao, nhân dân và gia đình mong đợi. Vì vậy, các nhà khoa học phải cố gắng hết sức mình, vượt qua khó khăn, thiếu thốn, những giới hạn của bản thân để dành tâm huyết nghiên cứu những đề tài có giá trị, mang lại giá trị kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống thiết thực của nhân dân. Đó là tâm sự của Tiến sĩ (TS) Hà Thị Thúy, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Chị vừa vinh dự là một trong 10 phụ nữ tiêu biểu được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2014.
Năm 1987, tốt nghiệp chuyên ngành Sinh lý thực vật, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), TS Hà Thị Thúy về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Được công tác đúng chuyên ngành đào tạo, cộng với niềm say mê nghiên cứu khoa học và sự hỗ trợ, động viên của gia đình, đồng nghiệp, chị Hà Thị Thúy đã gặt hái được nhiều thành công trong hàng loạt các công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về chọn tạo và nhân nhanh các giống cây ăn quả, các giống mía mới, nhiều giống hoa, cây cảnh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Với những tâm huyết trong nghiên cứu các loại cây trồng gắn bó với đời sống miền quê nên bà con nông dân thường gọi TS Hà Thị Thúy là nhà khoa học của nông dân.
Công trình đầu tay của nhà khoa học Hà Thị Thúy khi bước vào nghề là nghiên cứu về cây bắp cải chịu nhiệt. Với sự nỗ lực của mình, năm 1994, chị đã nghiên cứu thành công việc nhân giống các dòng bắp cải bất tự hoà hợp (không có hạt trong điều kiện tự thụ phấn) và xây dựng quy trình sản xuất bắp cải lai. Sau đó, chị đã tiếp tục nghiên cứu quy trình công nghệ nhân nhanh các giống chuối, giống mía ưu việt và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nhiều Viện nghiên cứu,trường đại học và địa phương.
Quá trình nghiên cứu quy trình nhân giống cây mía, TS Hà Thị Thúy đã được sự hỗ trợ và dìu dắt rất lớn của GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Di truyền Nông nghiệp và PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp. Năm 1995, chị đã trực tiếp chuyển giao công nghệ nhân giống mía cho công ty mía đường Hiệp Hòa, tỉnh Long An, giúp công ty xây dựng phòng thí nghiệm sản xuất giống và nhân nhanh giống mía mới K84-200 có năng suất và hàm lượng đường cao. Nhờ vậy, giống mía này đã được nhân sản xuất quy mô lớn từ một vài mầm mía ban đầu. Giống mía K84 200 đã được công nhận là giống mía quốc gia từ năm 1998.Từ đó đến nay, nhà khoa học Hà Thị Thúy đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào nhân nhanh các giống hoa mới, có giá trị kinh tế cao như các giống hoa Phong lan, Cúc, Đồng Tiền… Những công trình nghiên cứu về các loài hoa này cũng đã được đánh giá cao về giá trị công nghệ và thẩm mỹ.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho trồng trọt các loại cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam, quýt, bưởi. Tuy nhiên, nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng rất lớn hoa quả từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, vừa mất ngoại tệ vừa gây nhiều lo ngại về an toàn sức khoẻ. Các giống cây ăn quả ở nước ta tuy nhiều, nhưng rất nhiều hạt và chất lượng kém. Được sự hướng dẫn tận tình của những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, TS Hà Thị Thúy đã mạnh dạn đi sâu nghiên cứu chọn tạo các giống cam, quýt, bưởi mới không hạt. Đây là một đề tài rất khó và đòi hỏi thời gian nghiên cứu dài hạn. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, muốn tạo được một giống cây ăn quả có múi thông thường phải mất 20 năm, thậm chí còn kéo dài hơn.
Ai sẽ dấn thân vào một đề tài như vậy? Ai sẽ có đủ niềm tin để theo một chủ đề nghiên cứu còn nhiều điều bất định và kéo dài như vậy? Người đó chắc phải có niềm tin vào bản thân và đồng nghiệp. Nhà khoa học Hà Thị Thuý cho biết, khó là cái chắc, nhưng đó là một định hướng chiến lược quốc gia, phải có người làm và phải có cách làm sáng tạo. Từ xác định quyết tâm, TS Thuý đã cùng đồng nghiệp thực hiện 2 định hướng chọn tạo giống không hạt. Định hướng thứ nhất là nhập nội các giống cam, quýt không hạt tốt nhất trên thế giới về nước, khảo nghiệm đánh giá ở các vùng sinh thái khác nhau để chọn giống thích hợp. Phải mất 4-5 năm, cây cam mới cho quả và phải thử nghiệm rất nhiều giống, mới tìm thấy một vài giống tốt.
Sau khi phát hiện giống tốt, TS Hà Thị Thuý và đồng nghiệp phải mời các công ty đến thăm và cùng họ đưa giống mới về công ty ở Nghệ An và Hoà Bình để trồng thử. Thật may mắn, lãnh đạo các công ty, đặc biệt là công ty Nông Công nghiệp 3-2, Công ty Rau quả Xuân Thành, ở Nghệ An, Công ty Rau Quả Cao Phong, Hoà Bình... đã rất nhạy bén với giống mới. Họ đã tích cực phối hợp đưa giống về địa phương. Lại phải chờ đợi 4 năm nữa, các vườn cam ở địa phương mới ra hoa kết quả, có năng suất và chất lượng tốt. Chị Thuý lại lên đường tổ chức thăm quan, hội thảo, mời nông dân đến tham dự. Như vậy, để minh chứng cho nông dân thấy được và chấp nhận 1 giống mới phải mất 10 năm lăn lộn với ruộng đồng.
Đến nay, 4 giống cam, quýt mới, không hạt, chất lượng cao đã đi vào sản xuất lớn và được nông dân, các công ty cả nước hào hứng phát triển. Định hướng thứ 2 là tạo giống cam, quýt, bưởi mới không hạt từ các giống bản địa nhiều hạt. Đến nay, đề tài nghiên cứu đã thực hiện được 13 năm, những dòng giống bưởi tam bội đầu tiên đã cho quả không hạt. Để thực hiện thành công đề tài này, chị đã gặp không biết bao khó khăn, thử thách. Khó khăn không chỉ vì nắng mưa, ngập lụt đã từng nhấn chìm cả vườn giống mới không chỉ một lần; cây cam, bưởi một năm chỉ ra quả một lần, gặp mưa, hoa quả non có thể rụng sạch trơn mà thách thức lớn hơn cả là không ít người đã tỏ ra hoài nghi đề tài mà tập thể của TS Hà Thị Thúy có thể thành công.
Nếu không có bản lĩnh, không có đồng nghiệp cùng tâm huyết, chị Thúy đã bỏ kết quả nghiên cứu vào ngăn kéo để đi tìm các đề tài khác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sau bao năm tháng nỗ lực không ngừng, niềm vui đã đến thật bất ngờ và không chỉ một lần với nhà khoa học nữ Hà Thị Thúy là từ năm 2006 cho đến nay, có hàng nghìn hộ dân, nhiều trang trại và các công ty đã bội thu nhờ giống cam mới. Nhiều gia đình trồng cam, quýt thu hoạch từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học sẽ mãi rực cháy…
TS Hà Thị Thúy tâm sự: “Thời gian không chờ đợi nhà khoa học. Trong nghiên cứu khoa học, nếu ai không biết tận dụng và chớp lấy thời gian thì nỗ lực, cố gắng có thể sẽ vụt khỏi tầm tay”.
Nghiên cứu khoa học không phải như làm các công việc khác theo giờ hành chính từ 8h đến 16h30 là được nghỉ ngơi. Thí nghiệm của ngày hôm nay phải hoàn thành xong, không thể bỏ dở để đến ngày hôm sau. Có những thí nghiệm phải thực hiện đến tận đêm khuya hoặc phải ra đồng từ tờ mờ sáng. Nếu nhà khoa học nào bỏ qua hoặc không tuân theo những quy luật tự nhiên của quá trình thí nghiệm thì coi như công trình nghiên cứu không thành công hoặc không đạt kết quả như mong đợi.
Để có được những thành công trong nghiên cứu khoa học được áp dụng thành công trong cuộc sống, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho đất nước, nhà khoa học nữ phải hy sinh rất nhiều vì họ còn có gia đình và con cái. Muốn vừa làm tốt công việc nghiên cứu, vừa đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ, họ phải phải biết vượt qua khó khăn và phải biết sắp xếp mọi việc một cách khoa học.
Tuy nhiên, đối với nhà khoa học nữ Hà Thị Thúy, mọi vất vả, khó nhọc dường như tan biến hết khi được nhìn thấy những giống cây do chính mình hay tập thể Viện Di truyền Nông nghiệp nghiên cứu thành công như mong đợi và cho năng suất cao. Đặc biệt là mỗi khi được thấy bà con nông dân hồ hởi đón nhận giống cây mới mà chị nghiên cứu một cách trân trọng, TS Hà Thị Thúy cảm thấy xúc động vô cùng. Vì thế, mỗi khi về thăm người dân trồng giống cây ăn quả không hạt, TS Hà Thị Thúy đều được bà con đón tiếp nồng hậu và coi như là người “cứu cánh”, đem lại cuộc sống ấm no cho họ.
Dù đã gần 30 gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học và đã có nhiều công trình thành công được ghi nhận nhưng đến nay, ngọn lửa đam mê nghiên cứu các giống cây trồng mới vẫn luôn rực cháy trong người phụ nữ ngoài 50 tuổi – Hà Thị Thúy. Không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, sẵn sàng hy sinh vì nghề mà chị còn là người rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo khoa học cho thế hệ trẻ. Nhà khoa học Hà Thị Thúy cho rằng, để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp nước nhà bền vững ổn định, cần phải có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp yêu nghề, dám hy sinh cho nghiên cứu khoa học. Vì vậy, bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, chị Thúy đã tham gia giảng dạy và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên cho các trường đại học, cao đẳng và nhiều viện nghiên cứu về công nghệ nuôi cấy mô, tế bào và chọn tạo giống cây trồng.
Luôn trăn trở, làm thế nào để thu hút sinh viên say mê tham gia nghiên cứu khoa học, TS Hà Thị Thúy đã tìm tòi phương pháp truyền đạt dễ tiếp thu, giúp sinh viên hiểu bài, say mê môn học và ứng dụng thực tiễn. Với nhiệt tình và kinh nghiệm thực tế tích lũy được TS Thuý đã gieo vào lòng học trò của mình sự tự tin, vươn đến ước mơ cao hơn, xa hơn, khát vọng ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất. TS Hà Thị Thúy bày tỏ: “Được nghiên cứu khoa học và truyền lửa đam mê cho thế hệ kế cận là niềm hạnh phúc lớn nhất đời tôi".
Lòng say mê nghiên cứu khoa học luôn khiến TS Hà Thị Thúy không bao giờ tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Chị vẫn đang nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu, hoàn thiện các công nghệ và giống mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất và thị trường.