Đạo diễn Phan Hải Đường (Đài Truyền hình Việt Nam) xuất thân là một người lính tình báo, rồi lính đặc công ở chiến trường miền Nam. Sau đó theo sự phân công của trên ông về nhận nhiệm vụ ở Sư đoàn 350, là một trong những sư đoàn bộ đội chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiền thân là Sư đoàn bảo vệ Thủ đô 350 và hiện nay là 1 trong 3 Sư đoàn được biên chế vào Quân khu 3. Trong cuộc đời quân ngũ ông đã nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

anh-2.jpg
Ông Phan Hải Đường (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông nhớ lại mỗi khi vào dịp lễ quan trọng, quân đội tổ chức duyệt binh Đại tướng thường tới đơn vị thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ. Tuy nhiên, cuộc đời người lính và sự nghiệp làm báo ở Đài THVN không cho ông nhiều kỷ niệm được tiếp kiến Đại tướng mà chỉ sau khi về nghỉ hưu ông được Trung tâm UNESCO thông tin – nghe nhìn- truyền thông mời làm đạo diễn phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Tuy rằng, cả hai bộ phim đó ông đều không thực hiện được. "Lần thứ nhất bộ phim về cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng phải rút lại vì Đại tướng ốm. Tiếp đến bộ phim tài liệu lịch sử “Cội nguồn tên đất nước Việt Nam” cũng bất thành. Không có cơ hội được làm phim về Đại tướng nhưng nhờ đó ông lại có cơ duyên nhiều lần nói chuyện thân mật với vị Tổng tư lệnh. “Đại tướng là một người ấm áp, dễ gần nhưng tôi ấn tượng, kính nể nhất ở Đại tướng là một con người cần kiệm, liêm chính”, ông Đường cho biết.

Có một kỷ niệm trong rất nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà đạo diễn Hải Đường còn nhớ rõ: Hồi đó, cố Thiếu tướng Phan Hàm (nguyên Cục phó Cục tác chiến, phụ trách chiến trường B) tổ chức đám cưới cho con trai đầu là Phan Hà. Là cháu trong họ, lại là nhà báo khéo ăn nói nên ông Đường được chú Phan Hàm giao chủ trì hôn lễ. “Sáng sớm hôm đó, khi tôi vừa mặc xong bộ comple thì vợ chồng Tướng Giáp mặc thường phục đến chúc mừng đám cưới. Lúc đó tôi hơi hoảng, mời Đại tướng ngồi rồi trở vào gọi chú Hàm ra để tiếp. Tôi còn nhớ Đại tướng rất thân mật tặng cho cô dâu chú rể một tấm vải. Sau này, công việc đến nhà Đại tướng cũng luôn được ông tiếp chuyện thân mật, tuy không uống rượu nhưng lần nào Đại tướng cũng nói  đồng chí giúp việc mời rượu”- Ông Đường bồi hồi nhớ lại.

Tiếp xúc trò chuyện với Tướng Giáp mới hiểu thêm rằng ngoài nhãn quan của một thiên tài quân sự Đại tướng là một con người rất chịu khó, đọc nhiều, uyên thâm, trình độ uyên bác.

Ông Phan Hải Đường đang lật lại những trang tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo ông Đường, có nhẽ người ta quên rằng: Thiên tài quân sự là yếu tố bẩm sinh. Nhưng trường đào tạo ra thiên tài chính là lịch sử đấu tranh của dân tộc. Đặc biệt là dân tộc Việt Nam. Không kể một nghìn năm Bắc thuộc… chỉ tính từ khi dựng nước, không có thế kỷ nào bị họa xâm lăng từ phương Bắc.

Để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, dân tộc Đại Việt đã xuất hiện những vị tướng tài ba lỗi lạc ghi được những dấu ấn hiển hách như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Và ở thế kỷ 20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học và đúc kết được những tinh hoa của các bậc tiền bối để làm nên những chiến thắng lẫy lừng, thế giới phải nghiêng mình kính nể trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Nhãn quan của một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bỏ Hà Nội cũng như Trần Hưng Đạo đã bỏ Thăng Long… tránh những mũi nhọn của địch và đánh vào chỗ yếu của địch. Đặc biêt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các cố vấn nước ngoài muốn dùng chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” lấy thịt đè người dù phải đổ bao nhiêu xương máu… Nhưng hơn 10 ngày cân nhắc, suy nghĩ ông đã làm điều ngược lại “đánh chắc, thắng chắc” đảm bảo thắng lợi và đảm bảo tổn thất tối thiểu cho chiến sĩ. Và việc quân ta “kéo pháo vào, kéo pháo ra” đã chứng minh điều đó.

Sau này, Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đoàn trưởng Đại đoàn 312 và nhiều tướng lĩnh tham dự chiến dịch Điện Biên phủ đã phát biểu “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”.

 Trung tướng Phạm Hồng Cư- nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 cho rằng: “ Đây là quyết định dũng cảm sáng suốt… nếu theo phương án ban đầu thì thề hệ tham gia Điện Biên phủ như chúng tôi chắc không còn ai sống đến hôm nay. Với hỏa lực thế trận chủ động phòng ngự của địch, nếu đánh nhanh giải quyết nhanh thì chúng ta sẽ gánh lấy kết cục bi thảm. Điện Biên Phủ sẽ trở thành cái cối xay thịt thực sự với ta”.

Theo ông Đường, chiến thắng mùa xuân 1975 thêm một lần nữa khẳng định tài năng nghệ thuật quân sự thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi điểm đúng tử huyệt Buôn Ma Thuột, quân đội ngụy hoảng loạn và nhanh chóng tan rã và… Đại tướng đã chớp thời cơ… như Quang Trung đại phá Thăng Long, thần tốc thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo táo bạo, táo bạo hơn nữa! để quân ta giành mùa xuân đại thắng, thống nhất Tổ quốc.

Leter Macdonald- Đại tướng Anh quốc đã đến Hà Nội và trực gặp nhân vật huyền thoại Võ Nguyên

Xem video clip đông đảo đồng bào đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội
Giáp, trong cuốn sách (Edition original) “Giáp, An assessment” xuất bản năm 1991 đã viết: “Trong nửa thế kỷ 20 ông là Tổng tư lệnh suốt 30 năm liên tục trong quân đội. Xuất phát với 34 chiến sĩ, cuối cùng ông đã chỉ huy gần một triệu quân đánh bại hai đế quốc. Rõ ràng ông là một nhân vật không ai địch nổi”.

“Nhân vật không ai địch nổi” càng làm cho các nhà quân sự thế giới kinh ngạc và khâm phục bởi ông chưa qua một trường quân sự nào cho nên tướng Mỹ Westmoreland đã từng phát biểu: “Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất”.

Vị Đại tướng tài ba của dân tộc Việt Nam hôm nay đã ra đi, quy luật cuộc đời dẫu ai cũng biết. Dòng người trật tự xếp hàng để viếng, tưởng nhớ tới ông ở ngôi nhà lúc sinh thời số 30 Hoàng Diệu đã nói lên tất cả những tình cảm vô hạn mà người dân dành cho ông- vị Tướng quân cần kiệm liêm chính./.