Nằm trong dự án xã hội hóa 500 nhà vệ sinh công cộng, chiều 23/11, tại Vườn Hoa Lão Thành Cách Mạng, đường Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội- chủ đầu tư dự án Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội bàn giao gần 50 nhà vệ sinh công cộng (giai đoạn 2 dự án) cho đơn vị vận hành và quản lý Urenco.

nha_ve_sinh_vov_hpyc.jpg
Một nhà vệ sinh trong số 50 nhà vệ sinh được bàn giao đưa vào sử dung.

Khu nhà vệ sinh công cộng mang tính tiện ích cao, gồm 2 phòng dành cho nam và nữ; các phòng đều có tay vịn nhằm phục vụ người khuyết tật.

Nhà vệ sinh được thiết kế lắp bằng hệ thống khung thép chịu lực, chống chịu tác động bào mòn của thời tiết, trần làm bằng vật liệu nhôm, dễ lau, thoáng khí và giúp nhà vệ sinh không bị ám mùi.

Thiết bị bên trong nhà vệ sinh đạt chất lượng cao tiết kiệm điện, nước. Ưu điểm nhà vệ sinh thân thiện môi trường, tốn ít diện tích đất và không gây ảnh hưởng đến hệ thống ngầm.

Gần 50 nhà vệ sinh được bàn giao trong tháng 11 này, phục vụ nhân dân và du khách trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Đống Đa… Đại diện đơn vị nhà thầu, ông Lê Xuân Sinh- Giám đốc Công ty Vimeco cơ khí và thương mại khẳng định, tuổi thọ nhà vệ sinh tối thiểu 10-15 năm, đảm bảo phục vụ tốt người dân cả về mặt kỹ thuật và mỹ thuật. “Bên cạnh việc vận hành đúng quy trình, cần phổ biến cho người dân sử dụng đúng cách và có ý thức bảo quản các trang thiết bị lắp đặt trong nhà vệ sinh. Đó là điều quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của nhà vệ sinh cho chính cộng đồng”, ông Sinh nói.

Một người khuyết tật sử dụng nhà vệ sinh thông minh.

Theo ông Nguyễn Tiến Anh- Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing, trước đây khi dự án bắt đầu triển khai đã gặp một số khăn về giải phóng mặt bằng địa điểm lắp đặt, kéo nối điện nước… cũng như sự thiếu hợp tác của người dân do lo ngại về vấn đề môi trường, Nay bằng sự nỗ lực của chủ đầu tư, cũng như sự quyết liệt chỉ đạo của thành phố, các khó khăn cơ bản đã được khắc phục.

“Từ nay đến Tết Nguyên đán bàn giao 250 nhà vệ sinh. Các vấn đề khó khăn đã được giải quyết. Các nhà vệ sinh được lắp đặt sẵn tại nơi sản xuất rồi cẩu đến vị trí đặt nên rất nhanh. Thời gian đào bể phốt, đổ bê tông khoảng 3-4 ngày,  với những vị trí cốt yếu phải làm lại thì mất 6-7 ngày. Vì thế chúng tôi sẽ hoàn thành nhanh tiến độ 150 nhà vệ sinh nữa”, ông Anh khẳng định.

Chị Ngọc cho rằng tiện ích của nhà vệ sinh thuận tiện cho người khuyết tật.

Theo chị Nguyễn Ánh Ngọc, công tác tại Trung tâm hành động về sức khỏe cộng đồng ACDC, nhà vệ sinh này tương đối tiện ích đã cập nhật được công nghệ hiện đại của thế giới để người khuyết tật thuận tiện hơn trong việc sử dụng nó ngoài những nhu cầu cơ bản, nhà vệ sinh này cập nhật được những tiện ích như thang vịn cho người khuyết tật, hệ thống xả nước. "Tôi thấy rằng, tiện ích của nhà vệ sinh tương đối cập nhật với một số nước khác như Nhật Bản mà tôi đã từng sử dụng. Tạo cho người khuyết tật sự thuận tiện nhất trong quá trình sử dụng với mọi dạng tật".

Chị Ngọc chia sẻ: “Đối với một người khuyết tật có một nhà vệ sinh công cộng tiếp cận dễ dàng thì rất có ý nghĩa. Nó giúp tôi có thể tự tin khi ra ngoài đi làm, tham gia các hoạt động xã hội mà không phải đắn đo cân nhắc suy nghĩ khu vực đó có tiếp cận để giải quyết nhu cầu cá nhân hay không. Từ đó giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập xã hội. Điều này thể hiện sự quan tâm của xã hội, có sự nhân văn quan tâm tạo môi trường bình đẳng với người khuyết tật, tạo cơ hội cho họ có thể tự cống hiến cho xã hội”./.

Hà Nội có thêm 50 nhà vệ sinh thông minh

VOV.VN - 50 nhà vệ sinh công cộng, mỗi cái đơn giá khoảng hơn 200 triệu đồng, tính năng sử dụng thông minh, tiết kiệm điện, nước và thân thiện môi trường.