Làng nghề hơn 300 năm tuổi

Làng Chóa xưa là xã Chân Hộ gồm có 2 thôn Chân Lạc và Lạc Trung. Thôn Lạc Trung gồm có 2 khu dân cư nằm ở hai bên sông Cầu là Lạc Trung và Lạc Xuân nên xưa nay Lạc Trung vẫn có tên gọi là Chóa Bến để phân biệt với Chóa Chợ là thôn Chân Lạc.

huong_1_ksxw.jpg
Xe hương bằng tay tuy năng suất thấp nhưng chất lượng tốt hơn bằng máy.
Theo các cụ cao tuổi trong làng, vào thế kỉ XVIII khi đền Chóa được xây dựng thì nghề làm hương đen cũng xuất hiện từ đó. Các cụ được học cách làm từ nhỏ rồi cứ thế truyền lại cho con cháu.

Hương Chóa có mùi thoang thoảng, thơm mát. Trước đây, loại hương này chủ yếu được dùng vào dịp Tết nguyên đán và thắp tại đình, chùa nên các hộ sản xuất bận rộn nhất vào khoảng ba tháng cuối năm. Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường, người dân làm hương quanh năm.

Nguyên liệu chính để sản xuất ra hương đen gồm nhựa trám, than hoa, nứa, hồi. Để làm những cây hương đạt tiêu chuẩn thì cần chọn lựa nguyên liệu kỹ càng. Nhựa trám tốt phải có màu vàng, không lẫn đất; than hoa không bị lẫn các tạp chất. Nứa được ngâm khoảng 3 tháng, đem phơi khô rồi vót thành que hương.

Khâu pha chế là quan trọng nhất trong quá trình làm hương. Đầu tiên đun sôi nhựa trám rồi trộn vào than hoa đã nghiền nhỏ. Tiếp đó cho hỗn hợp vào máy nghiền để tạo độ dẻo sau đó cắt thành từng miếng, hấp cách thủy rồi xe hương bằng tay. Hương làm xong được để trong nhà từ 7-10 ngày sau đó đốt thử, nếu đạt yêu cầu thì mới đem bán.

Hương được để trong nhà từ 7-10 ngày rồi mới đem bán. Tùy theo yêu cầu của khách, chân hương có thể được nhuộm đỏ hoặc giữ nguyên màu trắng.
Trước kia, làm hương đen hoàn toàn thủ công nên khá vất vả nhưng hiện nay, với sự phụ trợ của máy móc, người thợ đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và sức lực. Công đoạn xe hương khá nhẹ nhàng nên các hộ sản xuất thường tận dụng nhân lực của gia đình để giảm thiểu chi phí.

Hương đen Chóa Bến có 5 loại: loại to dài 1m, 1m2; loại vừa 80cm; loại nhỏ hơn là 50cm, 30cm. Loại đắt nhất giá từ 250.000-300.000 đồng/100 que, loại rẻ nhất giá 20.000-30.000 đồng/100 que.

Ông Đào Duy Mận, 56 tuổi, hộ sản xuất hương nhiều nhất làng chia sẻ: “Gần dịp Tết, số lượng đơn đặt hàng tăng nhẹ, chủ yếu cung cấp cho khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng… Các tháng gia đình tôi thường dùng hết khoảng 80-90 kg nhựa trám thì ba tháng cuối năm tăng lên 110-120kg. Tôi phải thuê thêm nhân công xe hương với giá 160.000 đồng/1000 que.”

Chỉ còn 70/600 hộ theo nghề

Từ bao đời nay, nghề làm hương đen giúp người dân có thu nhập và trang trải cuộc sống của gia đình. Ông Ngô Bá Thành, người có thâm niên làm hương chia sẻ: “Trung bình mỗi năm gia đình tôi làm ra được 10-15 vạn hương, trừ các chi phí thì lãi được khoảng 60 triệu đồng. Lợi nhuận ít ỏi nhưng nghề này đã giúp tôi nuôi con trai học Đại học Vũng Tàu và con gái học Đại học Thái Nguyên”.

Ông Đào Duy Mận chuẩn bị giao hương cho khách hàng ở các tỉnh, thành.
Những nén nhang đen còn có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh bởi đem lại sự ấm áp, linh thiêng cho mỗi gia đình và trong các đình, chùa vào dịp lễ tết.

Tuy nhiên, do lợi nhuận thấp nên hiện nay chỉ còn khoảng 70/600 hộ theo nghề. Một số gia đình làm hương tiêu biểu như: ông Đào Duy Mận, Ngô Bá Thành, Ngô Quang Mơ, Dương Văn Thọ, Đào Khắc Nhất…

Nhờ có máy móc đầy đủ, ông Ngô Bá Thành thường nhận pha chế, cắt nghiền nguyên liệu cho các hộ sản xuất hương trong làng.
Cùng với đó, chính quyền chưa thực hiện được các chính sách để duy trì và phát triển làng nghề nên làm hương đen đang có nguy cơ bị mai một. Ông Ngô Tuấn Thịnh, Trưởng thôn Lạc Trung chia sẻ: “UBND xã đã có đề án thành lập Hợp tác xã làm hương đen, một số cá nhân cũng góp máy móc để sản xuất tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn mà ý tưởng này chưa thể triển khai.”

Trong điều kiện còn những khó khăn nhất định, nếu không có sự định hướng kịp thời của chính quyền địa phương trong việc phát triển, gìn giữ làng nghề truyền thống thì chẳng bao lâu nghề hương đen Chóa Bến có thể sẽ bị mai một./.