Chiều nay (29/12), nhiều người dân, học sinh, sinh viên và hành khách ngoại tỉnh rời thủ đô Hà Nội để về quê, đi chơi trong kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch năm 2018 kéo dài 3 ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo các bến xe, khách đi dịp này chủ yếu tập trung ở các tuyến ngắn, lưu lượng tăng so với ngày thường cao nhất là 20%.

bx1_vov_duvu.jpg
Bế xe Giáp Bát lúc 16h chiều 29/12.

Theo ghi nhận của PV tại bến xe Giáp Bát, vào lúc 15 giờ chiều nay (29/12), mỗi khi xe buýt dừng tại khuôn viên bến xe, từng dòng khách ào ào xuống. Tại các quầy bán vé, nhiều người xếp hàng đợi đến lượt mua.

Em Trần Hương Mai, sinh viên Đại học Thương mại Hà Nội kể, sau tiết học trưa nay tại trường, ăn cơm bụi, em vội vã bắt xe buýt ra bến để về Nghĩa Hưng, Nam Định cho kịp chuyến xe.

“Dọc đường đi, mỗi khi xe táp vào nhà chờ đón khách, rất đông người lên. Trên xe ken cứng người. Phải mất 50 phút di chuyển, xe mới về bến. Lo sợ nhà xe chặt chém giá vé nên số đông khách vào quầy mua vé” em Mai cho biết.

Ở mỗi cổng vào trong bến, nhân viên soát vé bến xe Giáp Bát đều túc trực và những hành khách có vé trên tay mới có thể vào trong để lên xe về quê.

Khách tấp nập ra tìm các tuyến xe để về quê.

Khu vực nhà chờ xe đi về Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa rất đông hành khách đứng đợi xe lăn bánh. Khi cửa xe mở ra, mọi người vội vã chen chân lên nhằm tìm kiếm cho mình một chỗ ngồi thuận tiện cho hành trình dài vốn nhiều nỗi lo “nhồi nhét” khách.

Bình thường giá vé về thành phố Thái Bình chỉ là 75.000 đồng nhưng nếu về các huyện, giá vé xe sẽ đội thêm khoảng 15.000-20.000 đồng tùy chặng. Một số hành khách bảo, năm ngoái, nhà xe “chém đẹp” người đi lên tới 100.000-120.000 đồng với lý do hết xe.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, tại bến xe Giáp Bát hiện có 950 xe khách đang hoạt động vận tải hành khách. Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, bến đã tăng cường thêm 100 xe.

Theo ông Thành, đầu giờ chiều nay, khách chủ yếu là học sinh, sinh viên sau khi học xong tranh thủ về nghỉ Tết Dương lịch nên lưu lượng tăng khoảng 15-20% hơn so với ngày thường. Phải đến ngày mai, khách mới tăng đột biến.

Khách đường dài lỉnh kỉnh đồ đạc về bến Nước Ngầm.

“Kỳ nghỉ Tết Dương lịch chỉ có 3 ngày, thời gian tương đối ngắn, lại sát Tết Nguyên đán nên khách chờ dịp sau để về. Hơn nữa, người dân đi xe ôtô  đợt này chủ yếu di chuyển trong cung chặng khoảng 300km nên ít biến động so với ngày thường. Hiện tại, bến chưa phải sử dụng xe tăng cường,” ông Thành đánh giá.

Với lý do doanh nghiệp nào tự ý tăng giá vé sẽ bị xử lý ngay, vị Giám đốc bến xe Giáp Bát cũng khuyến cáo hành khách nên vào bến mua vé tránh trường hợp ra đường bắt xe sẽ bị doanh nghiệp vận tải “hét giá”.

Nhiều xe chạy tuyến Giáp Bát - Thanh Hóa ra khỏi cổng bến là chạy "rùa bò' bắt khách dọc đường.

Đại diện các nhà xe thừa nhận, năm nay khách không đông so với các năm trước một phần là sự “nở rộ” của loại hình xe hợp đồng Limousine chất lượng cao khiến lượng khách sụt giảm.

“Xe hợp đồng Limousine giá vé đắt gần gấp đôi so với xe khách, nhưng đưa đón tận nhà, chưa kể chất lượng dịch vụ tốt nên phần lớn khách dù có bỏ thêm tiền nhưng vẫn chọn. Thậm chí, nhiều khách đến sáng nay không thể đặt xe do kín chỗ,” đại diện nhà xe Nam Định chia sẻ.

Bên ngoài bến xe Giáp Bát khá lộn xộn, xa ôm Grabbike vây kín bên ngoài bến xe.

Lo ngại xe “nêm” kín người, “chặt chém” giá vé, chị Phạm Thị Hải, (Ninh Bình) ngay từ sáng nay đã liên hệ với nhà xe X.E VIỆT NAM (số điện thoại 19001731) chuyên chạy tuyến Hà Nội-Ninh Bình bằng loại xe hợp đồng nhưng chỉ nhận được câu trả lời “xe không còn chỗ”.

“Tần suất xe chạy 1 tiếng/chuyến. Tới 21 giờ hôm nay là chuyến cuối cùng nhưng nhân viên nhà xe trả lời không còn chỗ vì khách đã đặt cách đây mấy hôm,” chị Hải nói.

Tại bến xe Nước Ngầm, ông Trịnh Hoài Nam, Trưởng Ban kiểm soát bến xe Nước Ngầm cho biết, dự kiến từ chiều nay và sáng mai lượng khách sẽ đông chủ yếu đi các tuyến ngắn như Nam Định, Nghệ An, Hải Phòng.

“Đợt cao điểm khoảng 600 lượt xe/ngày. Giá vé không tăng. Bến cũng bố trí nhân viên trực 24/24 giờ đồng thời có 40 camera giám sát để  đảm bảo an ninh, an toàn khu vực trong và ngoài bến,” ông Nam nói.

Càng về chiều, lượng khách đổ về các bến xe mỗi lúc một đông.

Tại cửa ra của bến xe Giáp Bát, mặc dù có mặt của lực lượng chức năng như Cảnh sát trật tự-cơ động, thanh tra giao thông.... nhưng nhiều nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa vẫn đi “rùa bò”, mở cửa xe vợt khách dọc đường.

Tại Ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng, mật độ giao thông đông, nhưng các xe vẫn di chuyển được. Tại đây, lực lượng CSGT và thanh tra giao thông phải làm việc khá vất vả./.