Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới, đến nay, ngành Y tế huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã luân chuyển 5 bác sĩ từ Trung tâm y tế huyện về 10 xã vùng cao để khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng các bác sĩ nơi đây vẫn kiên trì bám bản làng, khám và điều trị bệnh cho người dân.

Tháng Giêng, thời tiết chuyển mùa, đây cũng là thời điểm mà đồng bào dân tộc Cơ Tu ở các xã vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thường mắc các bệnh hô hấp, đường ruột. Chỉ tính riêng xã Ga ri, trong vòng 1 tháng sau Tết đã có hơn 230 ca bệnh.

thay%20thuoc%201.jpg
Các bác sĩ cắm bản vượt núi, đưa bệnh nhân đi cấp cứu bằng cáng (Ảnh minh họa)

Mấy hôm nay, bà A Lăng Thị Nhất ở bản A Ting, xã Ga ri đau râm ran vùng bụng. Bệnh của bà trước đây thầy cúng bảo do con ma rừng nó bắt, bây giờ đến Trạm y tế xã, bác sĩ kết luận viêm dạ dày cấp. Sau khi được nhân viên y tế ở trạm cho uống thuốc, nghỉ ngơi, bà A Lăng Thị Nhất thấy trong người khỏe ra, cái bụng đỡ đau hơn.

“Bây giờ thì tôi biết rồi, chẳng có con ma nào cả. Đến đây, có bác sĩ khám bệnh, cho thuốc uống, tôi thấy trong bụng không còn đau nữa. Nếu như trước đây mà biết uống thuốc sẽ khỏi bệnh thì tôi đã đến Trạm từ lâu rồi”, bà A Lăng Thị Nhất nói.

Ga ri là một trong 5 xã vùng cao ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có bác sĩ tăng cường về Trạm y tế xã. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, bác sĩ B’ríu Kiêm được Trung tâm y tế huyện Tây Giang phân công về Trạm, phụ trách 2 xã biên giới xa nhất của huyện. Ban đầu, bác sĩ Kiêm gặp không ít khó khăn do địa hình núi cao hiểm trở, đồng bào Cơ Tu nơi đây còn tin vào thầy cúng. Đau ốm thì giết trâu, cúng đuổi con ma ra khỏi nhà chứ không mấy ai đến Trạm y tế. Phải mất hơn 2 năm lặn lội với bản làng, trực tiếp chữa khỏi những ca bệnh nặng, bác sĩ Kiêm mới làm cho đồng bào Cơ Tu tin vào Trạm xá.

Bác sĩ B’rúi Kiêm cho biết, vài năm trở lại đây, bình quân mỗi tháng, Trạm tiếp nhận từ 250 đến 400 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó, có hàng trăm ca bệnh nặng chuyển từ vùng giáp ranh của huyện Kà Lừm, tỉnh  Sê Kông, nước bạn Lào sang.

Bác sĩ B’rúi Kiêm chia sẻ thêm: “Cho đến bây giờ, bà con ốm nhẹ hay là ốm nặng đều tới Trạm để khám và điều trị. Với khả năng của mình, từ khi về công tác tại Trạm, chưa có ca nào tử vong, bệnh nhân khi đến đây được chữa khỏi bệnh hoàn toàn”.

Chủ trương luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới của Bộ Y tế góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho đồng bào Cơ Tu ở huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Năm 2013, các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp nhận trên 36.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Bác sĩ Nguyễn Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết: “Việc đưa cán bộ về xã cũng là một cố gắng của đơn vị. Qua nhiều năm, chúng tôi thấy rằng, đưa bác sĩ về xã phát huy rất tốt trong vấn đề sơ cứu, cấp cứu cũng như thực hiện các kỹ thuật ở tuyến xã cho phép. Hằng năm, chúng tôi cũng đưa bác sĩ từ tuyến xã về tuyến huyện để học tập và nâng cao năng lực cũng như kiến thức”.Để không “lãng phí” tay nghề của các bác sĩ tăng cường về xã, ngành Y tế huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đang tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị y tế; đồng thời vận dụng linh hoạt cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để các bác sĩ an tâm công tác./.