Ngày 10/5, Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) và Nhóm Bạn về người khuyết tật tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về thúc đẩy việc làm của người khuyết tật trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ hai (SOM 2) đang diễn ra tại Hà Nội.

vov_khuyet_tat_apec_habr.jpg
Hội thảo chuyên đề về thúc đẩy việc làm của người khuyết tật tại Hà Nội ngày 10/5

Các đại biểu tham dự đã thảo luận về tổng quan những kết quả nghiên cứu và xu hướng hành động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật bao gồm các chính sách luật, khuôn khổ pháp lý trong vấn đề hòa nhập của người khuyết tật, giáo dục và đào tạo, bài học về tạo việc làm cho tất cả mọi người, cơ hội nâng cao tay nghề cho người khuyết tật…

Phát biểu tại Hội thảo, ông You Liang, đại diện Chủ tịch Nhóm bạn về người khuyết tật, Phó Tổng Giám đốc Ban hợp tác quốc tế, Liên đoàn người khuyết tật Trung Quốc cho biết, người khuyết tật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ít có khả năng được tuyển dụng làm việc. Chính vì vậy, việc tạo cơ hội bình đẳng trong công việc cho người khuyết tật là mục tiêu mà các nước trong khu vực đang hướng tới. Ngoài ra, việc đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật cũng cần phải được pháp luật bảo vệ.

Ông You Liang

Ông You Liang đặt vấn đề làm sao để đảm bảo những người khuyết tật có thể thụ hưởng sự tiến bộ và phồn thịnh trong khu vực, cũng như được học tập, rèn luyện kỹ năng, và được đổi xử công bằng trong xã hội. Trên thực tế, người khuyết tật có đóng đáng kể tới sự phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Về vấn đề này, bà Jenjeera Boonsombat, đại biểu cấp cao đoàn Thái Lan cho hay, Thái Lan đưa ra chính sách yêu cầu các doanh nghiệp cứ 100 người lao động thì phải tuyển dụng một người lao động khuyết tật.

Bà Jenjeera Boonsombat

“Chúng tôi khuyến khích những người khuyết tật tham gia vào doanh nghiệp tư nhân và cơ quan nhà nước. Nếu chúng ta có môi trường làm việc tốt cho họ, cho họ đào tạo nghề, truyền dạy kiến thức thì họ cũng sẽ phát huy được năng lực làm việc của mình. Họ không phải là những người mang lại gánh nặng kinh tế mà chính họ thực sự là những người có ích trong việc phát triển kinh tế xã hội,” bà Jenjeera Boonsombat chia sẻ.

Ông Agus Diono, quan chức cấp cao Indonesia, nêu quan điểm: “Tại hội thảo lần này, chúng tôi không bàn đến vấn đề làm từ thiện cho người khuyết tật mà chúng tôi bàn đến việc quyền bình đẳng của những người khuyết tật, họ có quyền được đi học, được xã hội bảo hộ và quyền được đi làm.

Ông Agus Diono

Đặc biệt, ông Agus Diono nhấn mạnh: Là những nước ở khu vực trong khu vực Đông Nam Á nên Việt Nam cũng như Indonesia luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp đỡ chia sẽ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã bàn thảo về việc ban hành các luật và quy định nhằm trao quyền có việc làm cho người khuyết tật, luật chống phân biệt đối xử để bảo vệ người khuyết tật trong quá trình họ được thuê, trả thưởng và chấm dứt hợp đồng; các giải pháp xóa bỏ định kiến đối với người khuyết tật, tạo cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận với mạng lưới nghề nghiệp, hỗ trợ người khuyết tật quay trở lại công việc khi gặp tai nạn lao động./.