Bên lề Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm (FSCF) và Hội thảo giấy chứng nhận xuất khẩu trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) tổ chức tại Hà Nội ngày 9/5, ông Micheal Choi, quan chức Văn phòng Chính sách Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phiên họp của APEC lần này là thắt chặt hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ thương mại, trong đó có lĩnh vực thực phẩm.

vov_choi_thuc_pham_qyji.jpg
Ông Micheal Choi

Theo ông Michael Choi, điều quan trọng là phải đảm bảo sự cân bằng giữa việc tạo thuận lợi, thông thoáng trong các hoạt động thương mại, các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đồng thời cũng cần phải bảo vệ sức khỏe của con người và động thực vật. Nhiều quốc gia có quy định rất chặt chẽ về xuất khẩu thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân. Vì thế, ông Michael Choi cho rằng, muốn thâm nhập vào các thị trường khó tính, cần phải vượt qua nhiều hàng rào thương mại.

Trên thực tế, mỗi quốc gia các quy định riêng về giấy chứng nhận xuất khẩu, chính vì thế có nhiều quy chuẩn khác nhau về thực phẩm, và khi thực phẩm được xuất khẩu sang các thị trường khác nhau thì cần phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể của quốc gia đó, quan chức Văn phòng Chính sách Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Ông Michael Choi nhận định, hiện nay, xuất khẩu thực phẩm đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu và chúng ta cần một môi trường kinh doanh công bằng đối với tất cả các nền kinh tế thành viên của APEC.

Ông cũng cho biết, nhiều người đang quan tâm đến vấn đề cá da trơn (catfish) của Việt Nam và Trung Mỹ, hay vấn đề xuất khẩu tôm ở Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vị quan chức này cho rằng, để tất cả mọi người cùng được hưởng lợi trong các hoạt động thương mại thực phẩm thì cần phải tạo ra một hệ thống công bằng và cởi mở.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh biến đổi khi hậu như hiện nay, ông Michael Choi cho biết, ở Mỹ, ưu tiên số 1 là đảm bảo sự bền vững, điều đó có nghĩa là phải tạo ra một nền sản xuất bền vững, ổn định lâu dài, trong đó có tính toán kỹ lưỡng đến các yếu tố quan trọng như nước, đất… Vì thế, cần có sự kết hợp chặt chẽ với giới khoa học và cộng đồng công nghệ…

Vấn đề mấu chốt hiện nay là tăng cường hợp tác trong APEC để cùng tạo ra nguồn cung thực phẩm bền vững, lâu dài, ông Michael Choi nhấn mạnh./.