Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 01/2015 và theo Thông tư số 41/2014 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính, những người sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Tuy nhiên, hiện đã gần hết năm 2015, nhưng 118.000 người dân thuộc khu vực xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được thụ hưởng chính sách ưu việt này. Vậy đâu là vướng mắc khiến chính sách này triển khai bị chậm trễ.

Theo Nghị định số 105 và Thông tư liên tịch số 41 năm 2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính, người đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo sẽ được nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng Bảo hiểm y tế.

lao_dong_thanh_hoa_rmie.jpg
Lao động xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) trên đồng nuôi tôm (Ảnh: báo Thanh Hóa)

Theo Quyết định 539 ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015, tỉnh Thanh Hóa có 37 xã với 118.000 dân sẽ được thụ hưởng chính sách này (trừ những đối tượng thuộc chế độ chính sách được cấp bảo hiểm y tế miễn phí hàng năm). Thế nhưng, tới nay đại đa số người dân khu vực bãi ngang, ven biển ở Thanh Hóa vẫn chưa biết tới việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Ông Nguyễn Văn Huy ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa nói: “Đến hôm nay, tôi mới biết vùng bãi ngang là được Nhà nước hỗ trợ cho thẻ BHYT, chứ lâu nay cũng không nghe nói gì, không biết. Hôm nay các anh xuống thì tôi cũng mới nắm bắt được việc này”.

Không chỉ riêng huyện Hoằng Hóa mà ngay tại huyện Hậu Lộc, nơi có tới 5 xã thuộc khu vực bãi ngang, ven biển, đến nay người dân cũng không biết mình thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí. Để giảm bớt chi phí khi phải đi viện, năm nay, các hộ gia đình đã tự bỏ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện.

Chị Mã Thị Tiên ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Gia đình có 6 khẩu thu nhập mỗi tháng từ 3,5-3,8 triệu, mỗi chồng tôi là thu nhập chính cho gia đình. Gia đình tôi phải mua thẻ BHYT để phòng trường hợp ốm đau phải đi viện”.

Đối với người được thụ hưởng là vậy, nhưng cũng không ít chính quyền cấp xã thuộc khu vực bãi ngang ven biển của tỉnh Thanh Hóa đến nay cũng mới biết  thông tin này.

Ông Hoàng Văn Khuông, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc nói: “Chúng tôi cũng chưa được nắm bắt, triển khai Thông tư 41. Chúng tôi cũng đang phấn đấu nông thôn mới vào cuối năm 2015, nếu triển khai sớm việc này thì về đích nông thôn mớ và có thể người dân đỡ vất vả hơn”.

Để tìm hiểu vì sao có sự chậm trễ trên, khi trao đổi với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được biết, do Thông tư thuộc liên Bộ Tài chính và Bộ Y tế nên phải do các đơn vị thuộc ngành dọc của các Bộ này triển khai. Thế nhưng, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng, cần phải có danh sách người thụ hưởng thì mới có thể xuất kinh phí để triển khai thực hiện.

Ông Hà Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa nói: “Công tác triển khai, quản lý đối tượng do ngành LĐTB&XH thực hiện. Ngành Tài chính trên cơ sở đối tượng được hưởng chính sách sẽ tổng hợp và đáp ứng yêu cầu đầy đủ chế độ chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Bộ Tài chính cam kết đảm bảo đủ kinh phí cho người được hưởng chế độ theo chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Đồng quan điểm với Sở Tài chính, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội phải thống kê danh sách thì các bước phía sau mới có thể triển khai được.

Ông Lê Xuân Dự, Phòng Quản lý thu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc thực hiện lập danh sách cho nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT hoàn toàn do ngành LĐTB&XH chỉ đạo, hướng dẫn để các địa phương lập danh sách một cách đầy đủ, chính xác và ngành Lao động có thẩm quyền phê duyệt danh sách này. Sau khi phê duyệt , ngành Lao động trình UBND các địa phương để tiến hành phê chuẩn, đồng thời hợp đồng với quan BHXH để cấp thẻ BHYT. Điều đó có nghĩa là BHXH chỉ cấp được thẻ BHYT cho đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT, hoàn toàn trên cơ sở có danh sách của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền  phê duyệt thì mới thực hiện được”.

Các ban, ngành đùn đẩy: Người dân mất cơ hội hưởng thụ chính sách

Như vậy, trách nhiệm của việc chậm triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí được đổ cho Sở LĐTB&XH  tỉnh Thanh Hóa. Trong khi các ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trước quyền lợi chính đáng của người dân thì một số địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các xã thuộc khu vực bãi ngang ven biển theo Quyết định số 539 ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Việc chậm trễ của tỉnh Thanh Hóa đang khiến người dân có nguy cơ tuột mất cơ hội thụ hưởng chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Đến giờ phút này đã là gần cuối năm mà chúng ta chưa thực hiện thì trách nhiệm này thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước. Rõ ràng chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội của người dân. Tôi nghĩ rằng, không thể chần chừ, nếu các ngành không vào cuộc thì đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành có liên quan phải sớm thực hiện chính sách cho người dân. Cho đến giờ phút này mà chúng ta không làm có nghĩa là chúng ta đã bỏ rơi chính sách cho người dân và người dân sẽ không được hưởng lợi từ ưu đãi của Nhà nước”.

Khẩu hiệu “Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế là 2 trụ cột về an sinh xã hội” vẫn được các cấp tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền để người dân thực hiện. Thế nhưng gần 1 năm qua, quyền lợi của 118 nghìn người dân vùng bãi ngang, ven biển vẫn chưa được tỉnh Thanh Hóa quan tâm triển khai thực hiện. Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, đồng nghĩa với cơ hội nhận thẻ bảo hiểm y tế sẽ không còn cho người dân thuộc khu vực này. Trong khi đó, việc thực hiện vẫn dậm chân tại chỗ, vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước sự chậm trễ này?./.