Cuộc đời thăng trầm của “dị nhân” vớt xác

Làm công việc đó một cách thầm lặng, bất chấp mưa phùn gió bấc, sự hiểm nguy luôn rình rập nhưng không mong sẽ được đền đáp. Suốt gần hai mươi năm, chính ông cũng không nhớ rõ mình đã “cướp” của Hà Bá không biết bao nhiêu “miếng ăn” nữa. Liệu rằng mấy ai biết được ở dưới gầm cầu Long Biên lại có một người làm nghề “trần gian có một” mà không hề mảy may cần chút ơn huệ?

“Dị nhân” ấy tên đầy đủ là Nguyễn Đăng Được, sinh năm 1946 tại nước bạn Thái Lan. Năm 1957, ông cùng bố hồi hương trở về quê Bố Trạch, Quảng Bình. Theo học tới lớp 7 thì nhập ngũ (1968). Ông đã từng tham gia vào chiến dịch Cánh đồng Chum năm 1972 ở chiến trường Lào. Khi đó, tiểu đội của ông có 5 người bị thổ phỉ phục kích trên đường hành quân, 3 đồng đội hy sinh còn ông và một đồng đội bị thương nặng ở giữa rừng, không thể qua khỏi. Sau khi chôn cất đồng đội xong xuôi, ông tìm đường về Việt Nam đem theo kỷ vật của đồng đội về quê ở Nam Hà.

Ông bồi hồi kể lại quãng thời gian đó: “Đi giữa rừng cứ lạc hết chỗ này chỗ nọ. Gặp suối thì mò tôm mò cá không thì hái hoa quả ăn cho đỡ đói rồi đi tiếp, mấy tháng trời mới về tới Hà Tĩnh. Khi đó, tóc tai bù xù, dài tới tận ngang vai, râu ria thì lởm chởm, quần áo bộ đội bẩn thỉu. Nhìn chẳng khác gì thổ phỉ!”. Khi ngủ ở ga Vinh ông bị kẻ gian lấy hết đồ đạc và giấy tờ tùy thân nên không thể tìm về Nam Hà được.

di-nhan-1.jpg

Ông quyết định ra Hà Nội chứ không về quê hương, cuộc đời của ông chuyển sang một ngã rẽ mới. Sau thời gian phiêu bạt, ông tới Hà Nội trong tình trạng đói khát nên được mọi người thương cho ăn. Ông bồi hồi nhớ lại ngày đó: “Thi thoảng họ lại cho tôi bữa cơm, lúc đó chỉ hai hay ba hào nhưng đã cứu sống tôi. Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Ông làm đủ mọi nghề nào là nhặt củi, bới rác, bán đồng nát “cốt chỉ để kiếm miếng ăn sống qua ngày”. Vất vả mãi cũng không đủ ăn ông mò mẫm xuống bãi giữa sông khi đó mới chỉ là những bãi cỏ ven sông để tìm chỗ chui ra chui vào. Nghĩ là làm, năm 1990 ông là một trong những người đầu tiên xuống đây làm thuyền để ở. Sau này ông lấy vợ và sinh con cũng ở trên chính “ngôi nhà” đó cho tới tận bây giờ. Sau này, nhiều người dân cũng xuống đây ở, tới nay đã có 24 “nóc nhà”.

Lúc mới đầu, người dân sống ở đây rất kì thị đối với người ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng. Sự kì thị tới mức ông “bán nước trên cầu mà không ai dám uống”. Cứ ở đâu mất trộm chưa tìm được thủ phạm thì đều nghi ngờ cho những người dân sống ngụ cư ở đây. Trước hoàn cảnh đó, ông đứng lên vận động người dân sống ở đây lập đội tự quản, dần dần sự kì thị không còn nữa. Ông được người dân sống ở bãi giữa rất nể trọng.

“Cướp cơm” của Hà Bá

“Dân thuyền chài không bao giờ cứu người chết đuối, kể cả xác trôi đến gần cũng đẩy ra. Đó là theo quan niệm là phải “đền mạng” khi cứu người chết đuối”. Đó là điều “tối kị” vậy mà ông vẫn “cướp cơm” của Hà Bá không biết bao nhiêu lần.

Nhâm nhi ngụm nước chè, ông kể về vụ đầu tiên cứu người cách đây đã lâu: “Do có mâu thuẫn với người vợ mà một người đàn ông ôm hai đứa con hai bên nách nhảy cầu Chương Dương tự tử. Hai đứa trẻ một đứa chừng 3 tuổi, một đứa chừng 5 tuổi thì phải. Do có một mình nên chủ yếu tôi cứu 2 cháu bé. Lúc đó hai đứa bé bám vào vai tôi rồi, ông bố hoảng quá cũng bám theo. Tôi tưởng mình cũng chết theo họ rồi cơ. Thế là cả 4 người bám vào nhau trôi xuống tận Bạch Đằng, may quá công an đường sông cho ca nô ra cứu cả bốn người vào”.

 

                                            Những ngôi mộ chôn cất người được ông Được vớt lên

Rồi ông lại kể: “Có một lần một đứa bé khoảng 13 tuổi xuống sông bơi thì bị chuột rút la lên kêu cứu. Tôi chạy ra thì đã thấy một thanh niên lao xuống cứu. Nhưng cứu người đâu phải đơn giản. Thanh niên vừa lao xuống thì thằng bé hoảng quá ôm chặt vào người cậu thanh niên, vậy là hai người dìm nhau. Tôi mới lao xuống lôi cả hai đứa lên bờ”. 

Ông không nhớ rằng mình đã cứu sống được bao nhiêu người. Chỉ biết rằng ông còn “quàng luôn vào cổ” cái nghề vớt xác. Ông chia sẻ: “Thật lạ chết trôi sông thì xác đàn ông nằm sấp, đàn bà lại nằm ngửa. Khi vớt được thì xác đã biến dạng, thối rữa chỉ có người thân mới nhận dạng được người nhà của mình nhờ vào quần áo, đồ vật mang theo mà thôi".

Có lần ông cùng mấy người đi tìm vớt xác một cô gái tầm 20 tuổi, đó là vụ mà ông cảm thấy “rùng mình”. Hôm đó, có hai cô bé đi cùng nhau, một cô bé nhảy xuống sông tự tử. Lúc đó trời tối quá nên ông không cứu được. Khi người nhà tới họ lại nhờ ông đi tìm xác, đi 3 hôm liền tới tận ngã ba sông Thái Bình, Nam Định vẫn không thấy.

Ông bồi hồi kể lại: “Tới hôm thứ tư, đang nằm ngủ trưa trên mui thuyền thì tôi mơ thấy cái xác trôi qua liền dang tay ra chộp thì nhao xuống sông. Linh cảm thấy cái xác chưa thể trôi qua đây, tôi bảo mọi người cho thuyền quay lại một đoạn thì thấy xác con bé nằm vướng bụi cỏ lau”.

Có nhiều xác chết trôi sông người nhà tới nhận mang về làm đám tang nhưng cũng có những xác chết được ông vớt lên vô thừa nhận cực chẳng đã ông phải làm thay bổn phận người nhà. Ông kể lại: “Mấy chục mộ dưới chân cầu là những người tôi chôn cất, sau này ở đó đất lở nên giờ không còn nữa. Nay chỉ còn mộ 3 người là 2 cô gái trẻ, giờ người ta xây thành miếu Hai cô và mộ anh thanh niên ở trong bụi chuối.”

Khi được hỏi về thù lao vớt xác ông trả lời: “Thương người như thể thương thân thì tôi làm chứ công cán gì đâu. Trục lợi thì tôi đâu có nghèo như bây giờ. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình làm phúc để cứu người gặp nạn, tự tử hay dù đã chết cũng phải đưa họ vào bờ làm một phần mộ cho họ yên nghỉ. Đã là việc tốt thì không có gì mà phải sợ sệt cả”./.