Bắt đầu một ngày mới của bác sĩ K’brer, người dân tộc K’ho đang công tác tại bệnh viện Nhân dân 115 là một ngày bộn bề công việc. Từ thăm khám bệnh nhân nội trú đến khám bệnh cho bệnh nhân đang điều trị và hối hả tiếp nhận bệnh nhân mới.

Một ngày, vị bác sĩ này tiếp xúc không dưới 50 bệnh nhân, mà hầu hết là bệnh nhân nặng, cần xử lý nhanh, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Không những thế nhiều khi gặp phải những trường hợp người nhà bệnh nhân tính khí thất thường, bác sĩ phải nhận những lời khó nghe là điều không tránh khỏi.

bac-si.jpg
Các y, bác sĩ tại TP HCM luôn cố gắng hết mình để đem đến hạnh phúc cho bệnh nhân (Ảnh: Hiếu Hiền)

Vất vả với công việc là vậy, nhưng anh chưa bao giờ to tiếng với một ai. Người nhà bệnh nhân chưa hiểu thì anh hướng dẫn, giải thích cho họ hiểu, khi chăm sóc bệnh nhân khó tính, anh luôn giữ thái độ đúng mực, tận tình chăm sóc để họ an tâm trị bệnh. Nguyên tắc làm việc của anh là tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc để mang lại hiệu quả.

Bác sĩ K’Brer chia sẻ: “Điều cần nhất ở bác sĩ là phải có cái tâm. Người bệnh cũng có nhiều cái khổ, không chỉ về thể xác còn về tiền bạc, nghề của mình phải hết sức phục vụ người bệnh. Thứ nhất là phải giảm đau, sau đó có thể hướng dẫn một phần nào đó cho người dân biết để giảm kinh tế tốn kém”.

Thân thiện, dễ gần, nhẹ nhàng, chu đáo là nhận xét của nhiều phụ huynh bệnh Nhi dành cho điều dưỡng K’Nhúi, cũng là người dân tộc K’ho đang làm việc tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM. Tuy mới vào nghề được 3 năm, nhưng K’Nhúi đã cố gắng học hỏi, trau dồi kỹ năng chăm sóc bệnh Nhi để các bé không hoảng sợ khi gặp bác sĩ.

Với người thầy thuốc trẻ này, bệnh Nhi mau chóng phục hồi sức khỏe, thoát khỏi bệnh tật là niềm vui lớn nhất và đó cũng là lý do anh gắn bó với nghề mình đã chọn dù biết rằng, nghề điều dưỡng là nghề vô cùng vất vả. Cũng với tình yêu nghề, anh không chỉ làm tốt vai trò của người điều dưỡng mà còn tham gia trực tiếp cùng với các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện nhiều chuyến công tác từ thiện, khám cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng biên giới khó khăn.

Nói về những dự định của mình trong công việc, anh K’Nhúi cho biết: “Mình sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân, sẽ phục vụ hết mình với nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi. Mình sẽ tìm tòi, học hỏi để bổ sung kiến thức để phục vụ tốt hơn cho bệnh Nhi”.

Cũng công tác trong ngành y, nhưng với nhiệm vụ của một bác sĩ Khoa Nội thần kinh, bác sĩ Quản Thanh Ngân, người dân tộc Chăm ở Bệnh viện An Bình, TP HCM có những trở ngại nhất định. Do đặc thù là bệnh nhân mất hành vi kiểm soát nên công tác điều trị và chăm sóc của các y, bác sĩ ở khoa này cũng rất đặc biệt. Đó là một công việc vô cùng vất vả và gian khó.

Nếu không có tình thương yêu, sự ân cần và nhẫn nại thì khó ai có thể bám trụ được bởi bên cạnh việc điều trị cho bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ ở đây cũng là những chuyên gia tâm lý để động viên, an ủi thân nhân người bệnh.

Vượt lên tất cả những khó khăn, anh cùng đồng nghiệp luôn tận tuy với công việc, hết lòng với bệnh nhân nhằm sớm mang lại niềm vui cho bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Bác sĩ Quản Thanh Ngân tâm niệm rằng: phải sống tích cực, không ngại khó khăn gian khổ, luôn năng động, sáng tạo, thể hiện lương tâm nghề nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Trong suốt những năm gắn bó với nghề, anh đã cùng tập thể Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện An Bình nhận được nhiều danh hiệu cao quý.

“Khi bước chân vào ngành y, tôi cũng như các đồng nghiệp đều tâm niệm phải hết mình vì sức khỏe người bệnh. Làm việc tại đây, ngoài chuyên môn tôi phải quan tâm đến tâm lý bệnh nhân và tôi vẫn luôn tự nhủ rằng cần phải làm gì cho bệnh nhân? Giúp được gì cho người bệnh? Bệnh nhân sẽ được gì sau những điều tôi giúp đó?”

Tấm gương y đức của điều dưỡng K’Nhúi, của bác sĩ Quản Thanh Ngân hay bác sĩ K’brer là những bông hoa đẹp trong vườn hoa y đức của TP HCM”./.