Khu neo đậu tránh trú bão và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy vậy, đến nay, mục tiêu này chưa thực sự đạt được khi hạ tầng chưa hoàn thiện, tàu thuyền tránh trú bão chưa đảm bảo an toàn, các dịch vụ hậu cần còn thiếu đồng bộ.

vov_1_cfps.jpg
Dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc bộ trên đảo Cô Tô hiện mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1.

Sau mỗi chuyến biển dài ngày, ông Nguyễn Thanh Sơn, ngư dân huyện đảo Cô Tô thường đưa tàu về khu âu cảng rộng rãi phía nam của đảo, nơi thường xuyên có vài trăm tàu cá từ nhiều nơi về đây neo đậu. Khu neo đậu tránh trú bão tại Cô Tô nằm trong Dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ được xây dựng từ năm 2009. Dự án có diện tích 54ha với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Biển đông Hải đảo hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương, hiện đã hoàn thành giai đoạn một với khu neo đậu, bến cập tàu đáp ứng các tàu dưới 600 CV.

Vui vì chuyến biển đầy ắp cá nhưng ông Sơn vẫn không khỏi lo lắng, khi âu cảng tuy rộng lớn nhưng vẫn trở nên chật chội bởi mỗi khi có bão, tàu bè cả nghìn chiếc cùng đổ dồn về đây. Sóng gió hướng Tây và Tây Bắc ập vào khiến các tàu va đập vào nhau, không đảm bảo an toàn.

“Vài năm về đây tàu thuyền đánh bắt nhiều, những ngày bình thường thì không sao nhưng những ngày mà có áp thấp, bão gần bờ, tàu ập về đây là thành thử tránh bão không an toàn. Âu cảng thấp, gió vượt qua, bão quá cấp 10 là không chịu được, mà năm vừa rồi tàu vào nhiều chật chội lắm”, ông Sơn bày tỏ.

Ngoài chức năng tránh trú bão, dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ cũng là nơi cung ứng nhiều mặt hàng thiết yếu cho ngư dân như xăng dầu, nước ngọt, vật tư ngư nghiệp và cung cấp mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, khu chế biến. Bà Phạm Thị Măng, chủ cơ sở chế biến hải sản Thanh Măng khẳng định, từ khi có khu hậu cần, tôm cá mực luôn tươi rói vì được đưa ngay lên bờ để sơ chế, tàu bè giao dịch mua bán hàng hóa thuận tiện hơn. Tại đây cũng có sân phơi rộng, có thể phơi hàng chục tấn cá ruội, mực ống riêng biệt cách xa dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đê chắn sóng kiên cố nhưng chưa đảm bảo an toàn do thiếu mặt phía Tây, Tây Bắc.

Tuy vậy, cơ sở của bà Măng hiện là cơ sở duy nhất có hệ thống nhà xưởng chế biến, các hộ khác chỉ mang tính nhỏ lẻ, tự phát: “Cơ sở của tôi rộng 1500m2 theo quy trình khép kín nhưng cũng là mượn tạm, huyện chỉ tạm giao. Rất mong rằng sau khi khu hậu cần nghề cá xong thì cũng có mặt bằng dành cho bà con để đầu tư bài bản hơn”.

Lý giải cho những bất cập này, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, dự án tại Cô Tô được thực hiện lồng ghép vừa là Khu neo đậu kết hợp Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, mặc dù đã đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thiện do vướng mắc về vốn.

“Khu neo đậu tại Cô Tô chưa đủ tiêu chí do chưa đủ 3 mặt kín sóng. UBND tỉnh Quảng Ninh đang đề nghị Trung ương tiếp tục đầu tư tiếp đê chắn sóng còn lại thì mới có thể vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy chuẩn của Bộ. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn còn khó khăn”, ông Công nói.

Hiện nay, để đảm bảo an toàn, các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển này vẫn được hướng dẫn vào khu neo đậu tại Hồng Vàn (huyện Cô Tô) hoặc về Vân Đồn chạy bão. Thêm vào đó, việc chưa đủ tiêu chuẩn được công bố là Khu neo đậu tránh trú bão, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đạt chuẩn cũng gây khó khăn cho khả năng thu hút các nhà đầu tư lớn vào nhà máy chế biến, kho lạnh, các dịch vụ đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Dịch vụ chưa đồng bộ, tàu cá vào đây bán sản phẩm cũng chưa nhiều, mới chỉ phục vụ cho một số sản phẩm OCOP chủ lực của huyện và tiêu dùng tại chỗ cho du khách.

Các dịch vụ hậu cần tại đây còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát do người dân tự cấp.

Ông Trần Như Long, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho rằng: “Hiện nay, các dịch vụ đều là tạm tính, tạm giao. Khi hoàn thiện và công bố chính thức đây là Trung tâm hậu cần nghề cá vịnh Bắc bộ, chúng tôi sẽ thu hút các nhà đầu tư, các tàu đánh cá xa bờ về neo đậu, sẽ có công nghệ để sơ chế bảo quản, đóng gói, phân phối đi các nơi và phục vụ bà con du khách trên đảo”.

Chưa hoàn thiện, Khu neo đậu tránh trú bão cùng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc bộ trên đảo Cô Tô vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu đề ra. Mùa mưa bão cùng vụ cá mới đã bắt đầu, ngư dân vẫn đang mong chờ từng ngày có một khu tránh trú an toàn và dịch vụ hậu cần đầy đủ làm điểm tựa để vươn khơi. Đó cũng sẽ là nền tảng để huyện đảo Cô Tô từng bước trở thành đầu mối vận tải, chế biến, một thương cảng lớn trên vịnh Bắc bộ trong tương lai gần./.