Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 1.200 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, nhưng hệ thống khu neo đậu dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con ngư dân trong vùng. Nhiều năm qua, do không được quan tâm đúng mức nên sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản tại Vân Đồn vẫn loanh quanh ở mức trên 20.000 tấn mỗi năm.

vov_hau_can_nghe_ca_quang_ninh_1_ycgk.jpg
Tàu vật liệu composite đang được nhiều ngư dân lựa chọn do hiệu quả và tiết kiệm hơn vật liệu thường.

Hiện nay, huyện Vân Đồn có 4 xưởng sửa chữa tàu thuyền, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy mà nhiều khi tàu thuyền bị hỏng hóc, bà con ngư dân thường phải kéo tàu ra tận Hòn Gai, hay huyện Quảng Yên, thậm chí sang tận Hải Phòng, Hải Dương để sửa chữa.

Anh Vũ Ngọc Thế, chủ một đơn vị chuyên làm nghề tàu du lịch, tàu cá cho biết, khi tàu phải mang ra Hòn Gai sửa chi phí tiền dầu cũng mất gần 20 triệu đồng, đó là chưa kể phải cắt cử người “ăn chờ ở đậu” để trông nom.

“Đưa tàu sang Hòn Gai, hay Hải Dương sửa chữa chi phí tốn kém nhiều, vừa khó khăn đi lại vừa xa nhà. Tôi mong muốn nhà nước có chính sách giúp đầu tư một số xưởng tại chỗ thì rất thuận lợi cho bà con”, ông Thế cho hay.

Ông Phạm Quốc Hương, chủ xưởng đóng tàu Việt Anh tại Vân Đồn cho biết, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, cầu đà sửa chữa, đóng mới tàu cá và tàu du lịch bằng chất liệu composite. Hiện công ty có trên 70 công nhân kỹ thuật làm cả ngày, cả đêm cũng không hết việc.

“Cả khu vực Vân Đồn có 4 xưởng sửa chữa tàu, một năm cũng phải sửa đến cả nghìn cái. Lúc nào trên xưởng cũng có 6-7 tàu sửa chữa, nhiều khi nước cạn phải cho cả thợ xuống dưới biển để sửa”, ông Hương cho hay.

Lâu nay, những cơ sở sửa chữa, đóng tàu ở Vân Đồn đều trong tình trạng quá tải, nhưng do quy hoạch nên khu dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa đóng tàu tại Vân Đồn vẫn chưa có. Các khu nhà xưởng đều là những khu đất cấp tạm chính quyền có thể thu hồi bất cứ lúc nào, nên các doanh nghiệp không dám đầu tư mở mang sản xuất.

Ông Phạm Quốc Hương, Chủ xưởng sửa chữa đóng tàu Việt Anh tại Vân Đồn rất băn khoăn khi muốn phát triển sản xuất.

Đem câu chuyện này trao đổi với lãnh đạo địa phương, ông Tô Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, thừa nhận, hiện xưởng sửa chữa tàu cá đang quá tải, dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu.

“Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động, nhưng cũng phải theo quy định. Về đề nghị, chúng tôi cũng mong muốn sớm hoàn thành quy hoạch khu neo đậu, hậu cần nghề cá sớm để bà con yên tâm sản xuất”, ông Hải cho biết thêm.

Dịch vụ hậu cần nghề cá được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của nghề nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Phát triển dịch vụ hậu cần một cách hiệu quả đồng nghĩa với việc tạo dựng được điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi.

Đến nay, dù có gần 1.200 phương tiện hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản nhưng trên địa bàn huyện Vân Đồn chưa có khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ sửa chữa tàu thuyền có công suất lớn, dịch vụ khai thác và chế biến còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh hiện có 94 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, nhưng chỉ có 33 cơ sở đủ điều kiện. Trước đây, Quảng Ninh đã quy hoạch 8 khu neo đậu tránh trú bão và hậu cần nghề cá nhưng chưa khu nào hoàn chỉnh.

“Tỉnh đang hủy các quy hoạch chuyên ngành. Quy hoạch thủy hải sản từ 3 năm nay cũng phải quy hoạch lại theo quy hoạch liên ngành, tổng thể, đa lĩnh vực. Quy hoạch phải theo vùng, tập trung, thế mạnh từng vùng nên không thể đòi hỏi Vân Đồn phải có xưởng chữa tàu thuyền vì lĩnh vực này cần diện tích lớn cũng như đảm bảo môi trường”, ông Công cho biết.

Ngành đánh bắt thủy hải sản ở nước ta nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng hiện vẫn còn đang hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, theo hướng tập trung, hiện đại vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa phát huy hiệu quả.

Quảng Ninh hiện có trên 6.300 tàu hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản, nhưng dịch vụ hậu cần nghề cá và khu neo đậu tránh trú bão còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Liệu phương án lập quy hoạch dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng chuyên ngành, tập trung, tổng thể đa lĩnh vực có phù hợp với thực tế hiện nay ở các địa phương?./.