Hôm nay (1/5), Luật phòng chống tác hại của thuốc lá bắt đầu có hiệu lực. Để người dân tự ý thức và chấp hành hút thuốc đúng nơi quy định, không bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi, cùng với tuyên truyền, nhắc nhở thì cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ 1/5, công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút. Mỗi người cũng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
Người dân đánh giá cao luật về thuốc lá
Theo quan sát của VOV, trong ngày đầu tiên thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, các bệnh viện như Bạch Mai, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương và các Trung tâm Y tế… biển hiệu cấm hút thuốc lá và những hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe được treo nhiều hơn trong khuôn viên và hành lang các khu khám, điều trị bệnh. Các y, bác sỹ và người nhà bệnh nhân đều chấp hành nghiêm việc không hút thuốc lá trong bệnh viện.
Một người dân hút thuốc là trong bệnh viện dù có biển cấm (ảnh: tinmoitruong) |
Anh Nguyễn Công Đăng quê ở Thái Bình, đang chăm sóc người nhà là bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương cho biết: “Bệnh viện treo biển cấm hút thuốc lá, bác sỹ cũng nhắc nhở nên tôi cũng không hút trong này. Với lại ở đây toàn người ốm, mình hút cũng không tiện. Lúc nào muốn hút thì tôi ra quán nước ở ngoài cổng viện, hút xong mới vào.”
Qua trao đổi, người dân đánh giá cao Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực quy định cụ thể nơi cấm hút thuốc hoàn toàn. Đó là các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, theo quy định, hành vi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100 – 300.000 VND, người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ bị phạt từ 0,5-1 triệu VND.
Bà Nguyễn Thị Quý, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói: “Công sở, và các nơi đông người tập trung không cho hút thuốc lá kể cả các quán ăn đông lớn. Tôi cho rằng nên như vậy để hạn chế khói thuốc đảm bảo sức khỏe cho trẻ em. Còn đối với gia đình có trẻ em tôi cho rằng bố mẹ phải biết tự lo, vì không khi nào người bố hút khi ở gần con nhỏ của mình, nếu hút thì phải ra chỗ khác.”
Hướng dẫn cho người hút
Tuy nhiên không phải ai cũng có ý thức về tác hại của thuốc lá đối với bản thân và những người bị hút thụ động như anh Đăng ở Thái Bình hay bà Quý ở Hà Nội. Thực tế, vẫn còn nhiều người dân có thói quen hút thuốc và chưa thể quen ngay với những địa điểm cấm hút thuốc. Do vậy cùng với quy định những nơi cấm hút thì việc quy định những địa điểm có nơi dành riêng cho người hút thuốc như khu vực cách ly của sân bay, khách sạn là khá hợp lý. Cùng với áp dụng chế tài xử phạt, cần tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền để người dân tự nhận thấy tác hại của thuốc lá và những hành vi liên quan đến thuốc lá, từ đó tự điều chỉnh hành vi của mình.
Ông Vũ Duy Bình, ở phường Trương Định, thành phố Hà Nội cho rằng ở những nơi công cộng, cần tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở người dân hút thuốc đúng nơi quy định:
“Cấm là cái tốt, vì hút thuốc cũng nhiều cái có hại, nhưng mà có điều không có người kiểm tra thì có thể người ta vẫn hút. Vì cấm hẳn thì cũng không cấm được cho nên phải có chỗ riêng để người ta hút thuốc lá cho chính đáng. Còn những chỗ đông người chung quanh như bệnh viện hay ngoài đường, hay chỗ nào có người bên cạnh thì không nên hút.”
Xin nêu ra một vài con số ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Mỗi ngày tại Việt Nam có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông. Rõ ràng, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2030, có gần 10% dân số Việt Nam sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá./.