Mặc dù nhiều năm qua, Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động như nghiên cứu, xây dựng chính sách, đặc biệt là chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại thuốc lá, tuy nhiên hiệu quả vẫn không được như mong muốn. Thậm chí có những quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá được ban hành nhưng thực thi kém hiệu quả. Kết quả là Việt Nam vẫn có tới gần 50% nam giới hút thuốc và là một trong 15 quốc gia có số người hút thuốc nhiều nhất trên thế giới. Trong bối cảnh đó, việc ban hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá là vô cùng cần thiết.
Bác sĩ Phan Thị Hải. |
Phóng viên Đài TNVN có trao đổi với bác sĩ Phan Thị Hải, phó Chánh văn phòng Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
PV: Xin bác sĩ Phan Thị Hải chia sẻ thêm thông tin mới về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường?.
Bác sĩ Phan Thị Hải: Thuốc lá được nhìn nhận là nguyên nhân chính gây bệnh và tử vong hàng đầu ở Việt Nam, đồng thời là nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng đói nghèo, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của xã hội.
90% người bị ung thư phổi được tìm thấy nguyên nhânlà do khói thuốc lá. Khói thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp với người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh, nhất là đối với thai nhi, nhiều trẻ em khi sinh ra đã bị ảnh hưởng của khói thuốc lá. Khuyến cáo mạnh mẽ của thế giới là phải bảo vệ cộng đồng khỏi hút thuốc thụ động.
PV: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam giảm được 9% số nam giới hút thuốc lá. Xin được hỏi bác sĩ, những số liệu đó nói lên điều gì?
Bác sĩ Phan Thị Hải: Trong 10 năm qua, mặc dù nguồn lực hạn chế, nhưng các bộ ngành đã tích cực tham gia phòng chống tác hại của thuốc lá, đã giảm được 9% số người hút thuốc lá, đây là thành công ban đầu đáng khích lệ của Việt Nam. Ví dụ ở Thái Lan, với nguồn lực lớn hơn Việt Nam, mỗi năm có nhiều chính sách tốt mà tỷ lệ giảm hút thuốc lá trong nam giới chỉ giảm được 2%. Hiện có 90% người dân Việt Nam hiểu tác hại thuốc lá, 87% hiểu hút thuốc lá thụ động.
Trong thời gian, cần phải có nguồn lực để thực hiện tốt hơn mục tiêu công ước và luật pháp ban hành, đẩy mạnh giải pháp thực thi môi trường không khói thuốc, tăng thuế thường xuyên tăng giá thuốc, giảm tiếp cận đối với thanh niên.
Bác sĩ Phan Thị Hải trao đổi với phóng viên VOV. |
PV: Thưa bác sĩ, cho đến nay hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật nào và bà đánh ra như thế nào về hiệu quả thực thi của những văn bản pháp luật đó?
Bác sĩ Phan Thị Hải: Theo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Thủ tướng Chính phủ, có 75 văn bản điều chỉnh từ sản xuất kinh doanh, phòng chống hút thuốc lá… Thực thi công ước quốc tế, các bộ ban ngành cũng ban hành các chỉ thị, xây dựng văn bản nhiều và tương đối toàn diện về mọi khía cạnh. Nhưng nhiều văn bản vẫn chưa thực sự cùng theo hướng đồng thuận với nhau, đôi khi còn bị chồng chéo. Ví dụ chính sách bảo vệ công chúng khỏi tác hại hút thuốc thụ động. Văn bản của bộ ngành riêng biệt, quy định về môi trường không khói thuốc để bảo vệ số dân. Số người cần bảo vệ lớn hơn thế rất nhiều, hơn các công chức nhà nước, nếu không có văn bản chung thì việc ban hành văn bản nhỏ lẻ chỉ có tác dụng trong nhỏ lẻ, tính pháp lý khó khăn. Người dân đến cơ quan công quyền không nắm được những quy định thì vẫn vi phạm. Kiểm soát buôn lậu, vi phạm quảng cáo khuyến mại thuốc lá chưa có tính pháp lý cao. Cần phải có hành lang pháp lý mạnh hơn, đề nghị Quốc hội xem xét luật phòng chống thuốc lá./.
Dự thảo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá tập trung vào 5 điểm: +Cần quy định thanh niên dưới 18 tuổi không được hút thuốc và cấm bán thuốc cho trẻ em. +Tạo môi trường không có khói thuốc bằng việc quy định các điểm công cộng như bến xe, nhà hàng, rạp chiếu phim, văn phòng làm việc, bệnh viện…không được phép hút thuốc. +Cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, trong đó có cả quảng cáo qua hình thức tài trợ cho các hoạt động xã hội. Nhà sản xuất phải tuân thủ quy định về nhã mác sản phẩm. +Tăng mức thuế để kiềm chế việc sử dụng thuốc. Thuế thuốc lá phải chiếm từ 2/3 (66%) đến 4/5 (80%) giá bán lẻ. +Xây dựng quỹ với nguồn ngân sách đóng góp ngành sản xuất thuốc lá. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng cho các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. |