Trầm cảm – một căn bệnh không quá mới, cũng không quá cũ và không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, hay tình trạng kinh tế xã hội, tất cả mọi người đều có thể bị trầm cảm. Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, dù biểu hiện của các triệu chứng có thể khác nhau.

Tại Việt Nam, theo BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.

Tại châu Âu, theo GS TS Heuser, Viện trưởng Viện tâm thần và trị liệu tâm lý trường ĐH Y Charite, Berlin, có gần 165 triệu người trong tổng số 550 người châu Âu đã và đang mắc các chứng rốn loạn tâm thần.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai sau bệnh tim mạch về mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống của loài người.

WHO khuyến cáo việc ruồng bỏ, hay gạt sang bên lề người mắc trầm cảm là vấn đề lớn ngăn cản nhiều người tìm đến các dịch vụ giúp đỡ. Ngày Sức khỏe thế giới (7/4/2017) với chủ đề: “Cùng trò chuyện về bệnh trầm cảm”.

vov_bs_tam_1_lowh.jpg
TS.BS Tạ Thị Minh Tâm, Chủ nhiệm Trung tâm tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho cộng đồng người Việt Nam tại trường Đại học Y Charité Berlin
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn TS. Tạ Thị Minh Tâm - bác sỹ chuyên khoa tâm thần và chuyên gia trị liệu tâm lý lâm sàng, Chủ nhiệm Trung tâm tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho cộng đồng người Việt Nam tại trường Đại học Y Charité Berlin, CHLB Đức về bệnh trầm cảm và những vấn đề đặt ra với Việt Nam.

PV: Là người có nhiều năm giảng dạy cũng như điều trị bệnh trầm cảm cho người Việt cũng như người nước ngoài tại Berlin (CHLB Đức). Theo bà vì sao bệnh trầm cảm lại được cả thế giới quan tâm đến như vậy?

TS Tạ Thị Minh Tâm:Cuộc sống có nhiều áp lực khiến bệnh trầm cảm ngày càng trở nên phổ biến và dự đoán đến năm 2020 trầm cảm sẽ là nguyên nhân đứng thứ hai chỉ sau các bệnh về tim mạch.

Bệnh trầm cảm không chỉ xuất hiện ở các nước phát triển mà ngay cả ở các nước đang phát triển tỷ lệ bệnh trầm cảm ngày càng cao.

Bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của người bệnh mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội của người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Ngoài ra, bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng lớn về kinh tế bao gồm: những thiệt hại kinh tế trực tiếp do kinh phí điều trị trực tiếp, nhưng thiệt hại kinh tế lớn hơn đó là những thiệt hại kinh tế gián tiếp là mất khả năng lao động của người bệnh.

Thiệt hại về kinh tế liên quan tới bệnh trầm cảm ở châu Âu năm 2010 lên tới trên 113 tỷ Euro bao gồm những thiệt hại kinh tế trực tiếp và gián tiếp.

Đặc biệt, bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến toàn bộ các hệ thống trên cơ thể như hệ thống miễn dịch, nội tiết, tuần hoàn và chuyển hoá chất, ví dụ bệnh nhân trầm cảm tăng nguy cơ các bệnh như: tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu….

Nếu chúng ta không có những biện pháp điều trị đúng kịp thời, trầm cảm có thể trở nên mãn tính với những thay đổi tính cách và có nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm nặng có thể làm người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực, chán sống thậm chí nặng hơn có thể có hành vi tự tử.

Điều đáng nói là hiện nay có rất nhiều biện pháp điều trị hiệu quả bệnh trầm cảm cũng như phòng ngừa bệnh trầm cảm. Tuy nhiên do thiếu thông tin cũng như những định kiến và thiếu nhân lực dẫn đến tỷ lệ bệnh trầm cảm được điều trị đúng cách còn rất hạn chế, ở một số nước tỷ lệ này dừng lại ở con số khiêm tốn là 10%. Phát hiện sớm và điều trị đúng cách hiệu quả là chìa khoá chữa khỏi bệnh trầm cảm.

Chính vì thế, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm cũng như phòng bệnh trầm cảm là mục tiêu quan trọng của WHO trong những năm gần đây.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn TS.BS Tạ Thị Minh Tâm tại Berlin, CHLB Đức
PV: Là người nghiên cứu về tâm lý và có nhiều dự án về điều trị bệnh liên quan đến tâm lý, BS có thể cho biết một vài nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng trên thế giới?

TS Tạ Thị Minh Tâm:Trong những năm gần đây, việc chẩn đoán cũng như những nghiên cứu về rối loạn tâm lý nói chung và trầm cảm nói riêng được quan tâm và đẩy mạnh hơn ở nhiều khu vực trên thế giới.

Chính vì vậy, việc phát hiện bệnh trầm cảm tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, bệnh trầm cảm có chiều hướng tăng lên, ngay cả ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các vùng đô thị lớn, nơi mà tốc độ cuộc sống cũng như đòi hỏi công việc ngày càng cao.

Theo các nghiên cứu gần đây, một số yếu tố thuận lợi cho việc phát sinh bệnh trầm cảm phải kể đến là tăng stress trong công việc, tăng mật độ dân số với việc giảm không gian sống, tăng ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn, thiếu sự cân bằng giữa nghỉ ngơi và công việc, tăng sức ép về công việc, gia đình và xã hội, cũng như những khó khăn về tài chính.

Một số stress liên quan tới công việc như những thay đổi trong cấu trúc công việc, như tăng sức ép về tiến độ công việc, tăng giám sát trong công việc, môi trường làm việc không thân thiện…

Bên cạnh những yếu tố bên ngoài phải kể đến những yếu tố bên trong cũng có thể gây tăng nguy cơ trầm cảm: ví dụ các bệnh mãn tính (đau mãn tính, bệnh kéo dài…), các bệnh ung thư, những thay đổi nội tiết như trong thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ…

PV: BS đã có nhiều năm nghiên cứu và tham gia các dự án can thiệp với bệnh lý tâm thần trên bệnh nhân người Việt. Theo bà, ở Việt Nam, hội chứng trầm cảm có phải là một nguy cơ và cũng sẽ gia tăng trong tương lai?

TS Tạ Thị Minh Tâm:Việt Nam là một nước đang phát triển, với dân số trên 90 triệu dân trong đó theo số liệu thống kê mới nhất khoảng 2,5% dân số Việt Nam  đang chung sống với bệnh trầm cảm.

Như vậy, bệnh trầm cảm không còn chỉ là nguy cơ mà đã là thực tế ở Việt Nam. Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ và chuyển mình không ngừng không chỉ về kinh tế mà cả xã hội văn hoá đặc biệt là ở khu vực đô thị.

Những thay đổi về văn hoá xã hội, thay đổi trong gia đình, thay đổi về môi trường sống (chẳng hạn như: kiến trúc, cấu trúc đô thị địa phương…), những thay đổi về cơ cấu lao động (từ làm ruộng sang làm các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp) và tổ chức công việc vừa là cơ hội cho người Việt Nam nhưng mặt khác đòi hỏi ở người đặc biệt ở vùng thành thị thêm những nỗ lực, năng lượng để thích ứng với điều kiện sống mới.

Chính những nỗ lực này kèm theo tăng những đòi hỏi sức ép trong công việc và cuộc sống, tài chính cũng như chênh lệch trong xã hội làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh trầm cảm.

Theo tôi trầm cảm và rối loạn liên quan tới stress sẽ là một chủ đề quan trọng ở Việt Nam trong những năm sắp tới.

Trong khi những bệnh lý nội ngoại khác có những triệu chứng biểu hiện rõ rệt ảnh hưởng ngay lập tức tới cuộc sống của người bệnh khiến bệnh nhân phải đi khám ngay, ví dụ gãy xương, đau đớn cấp tính, viêm phế quản với ho… bệnh trầm cảm phần lớn tiến triển từ từ phần lớn người bệnh không phát hiện ngay được, những triệu chứng tiền triệu có thể đơn giản là mệt mỏi hơn so với bình thường, đặc biệt mệt mỏi oẻ oải vào buổi sáng, giảm hứng thú trong công việc và gia đình, hay nghĩ ngợi nhiều hơn, cả nghĩ hơn, nhiều suy nghĩ tiêu cực, mất tập chung, hay quên, tự ti hơn, hay nóng tính hơn, cáu kỉnh hơn, mất bình tĩnh trong công việc, hay lo lắng hơn, không muốn gặp ai, mau nước mắt hơn, hay mất ngủ hoặc giảm chất lượng giấc ngủ, đau đầu…, nhiều các biểu hiện này kéo dài liên tục trên hai tuần có thể là biểu hiện của bệnh trầm cảm.

Nhưng những triệu chứng này nhiều người Việt vẫn cho rằng do thay đổi thời tiết hay do các yếu tố khách quan hay những bệnh như rối loạn thần kinh thực vật, phong thấp, thiểu năng tuần hoàn não mà chưa coi đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Người dân có ít các thông tin về bệnh trầm cảm cũng như các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm hiện đại, nên việc đi đến khám tại các trung tâm và bệnh viện khi có những biểu hiện này còn hạn chế ở Việt Nam.

Không thể không kể đến những định kiến của người dân đối với ngành tâm thần và các các rối loạn tâm lý. Nhiều người cho rằng phải bệnh rất nặng thậm chí là “bị điên” thì mới phải đi khám bác sỹ tâm lý, tâm thần. Chính điều này cũng khiến cho người người bệnh “ngại” đi khám bác sỹ tâm lý, tâm thần.

Nhiều bệnh nhân trầm cảm đến Trung tâm của chúng tôi tại Trường ĐH Y Charité nói rằng, họ khó có thể giải thích với người nhà tại sao họ phải đi điều trị tâm lý và dùng thuốc. Vì ở bên ngoài khó ai có thể nhận ra là họ có bệnh, có bệnh nhân tâm sự với tôi, bệnh trầm cảm như bệnh “giả vờ” vậy, chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được những hạn chế nặng nề mà nó gây ra.

Thêm vào đó bệnh trầm cảm ở mỗi dân tộc mỗi nền văn hoá có một số những thay đổi trong cách biểu hiện bệnh.

Chẳng hạn theo một nghiên cứu của Trung tâm chúng tôi tại trường ĐH Y Charité đã chỉ rằng, bệnh nhân trầm cảm người Việt có nhiều triệu chứng trên cơ thể ví dụ đau đớn đặc biệt là đau đầu, đau lưng, đau khớp… hơn so với bệnh nhân Đức.

PV: Vậy theo bà, chúng ta phải làm thế nào để hạn chế sự gia tăng của bệnh trầm cảm?

TS Tạ Thị Minh Tâm:Trong ngành y nói chung cũng như Ngành Tâm thần và trị liệu tâm lý nói riêng để hạn chế sự gia tăng của bệnh trầm cảm quan trọng nhất là khâu phòng bệnh, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Để phòng bệnh hiệu quả điều đầu tiên là người dân đặc biệt là ở vùng thành thị cần ý thức được những stress và sức ép trong công việc, gia đình và tài chính để từ đó tìm ra những biện pháp phù hợp với điều kiện thời gian và kinh tế của mình để cân bằng, tái tạo sức lao động của mình. Con người không phải là một cỗ máy, mà đến cỗ máy cũng cần được nghỉ ngơi bảo trì.

Chính vì vậy, việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng để

giảm các nguy cơ phát sinh các rối loạn tâm lý liên quan tới stress, trong đó có trầm cảm.

Các biện pháp giảm stress tái tạo sức lao động có thể đơn giản là tập thể dục thể thao, tập yoga, gặp gỡ bạn bè, tập tĩnh tâm hoặc học một môn nghệ thuật mới (vẽ, âm nhạc…)…

Ở Trung tâm của chúng tôi, bệnh nhân được học thêm những kỹ năng trong giao tiếp xã hội hay cách phân tích tình huống để giảm tối đa nhưng mâu thuẫn không cần thiết trong công việc và gia đình.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao kiến thức và giảm định kiến của người dân về bệnh trầm cảm và các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm là rất quan trọng, để bệnh có thể được phát hiện sớm và điều trị sớm.

Càng điều trị sớm thì kết quả điều trị càng hiệu quả và giảm nguy cơ bệnh trầm cảm phát triển thành mãn tính. Trầm cảm xuất hiện không chỉ ở nữ giới mà còn cả ở nam giới, mặc dù tỷ lệ bệnh trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới.

Đồng thời, nâng cao việc chẩn đoán, chất lượng khám chữa bệnh trong Ngành Tâm thần và trị liệu tâm lý cũng như trang bị kiến thức về các rối loạn tâm lý tâm thần và các biện pháp trị liệu cho các bác sỹ kể cả các bác sỹ ở những chuyên ngành khác sẽ góp phần phát hiện và điều trị sớm bệnh trầm cảm từ đó giảm những hậu quả lâu dài do trầm cảm gây ra cho người bệnh, gia đình và xã hội. Trong điều trị trầm cảm việc kết hợp giữa điều trị thuốc và trị liệu tâm lý là hiệu quả nhất.

PV: Xin cảm ơn TS BS!./.