Đây là một trong những vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm nhằm tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo kế hoạch năm 2013, cả nước sẽ tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, tuy nhiên báo cáo của Chính phủ cho thấy ước cả năm chỉ đạt khoảng 1,54 triệu việc làm.
Trong 3 năm qua, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc phá sản rất lớn, trong khi doanh nghiệp mới tham gia thị trường không tăng nhiều so với những năm trước. Tình trạng này khiến cho lao động bị mất việc làm ngày càng tăng, số lao động tìm được việc làm mới cũng hạn chế. Do vậy việc tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh được nhiều đại biểu coi như giải pháp tối ưu cho việc khai thông thị trường việc làm.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói: “Một trong những hướng di chuyển lao động rất căn bản đó là di chuyển lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để có thể giải quyết được vấn đề việc làm một cách bền vững, và có thể hoàn thành các chỉ tiêu về việc làm được đề ra trong nghị quyết của Quốc hội thì biện pháp quan trọng nhất là có những biện pháp khôi phục, thúc đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.”
Bên cạnh đó, chiến lược đào tạo nghề chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với đặc trưng phát triển kinh tế của từng địa phương cũng là một cản trở lớn trong giải quyết việc làm cho lao động, gây lãng phí kinh phí đào tạo, lãng phí nguồn lực. Điều này dẫn đến tình trạng người trong độ tuổi lao động thừa nhiều, nhưng lại thiếu lao động có tay nghề, chưa đủ trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc.
Ông Vũ Tiến Công, Phó bí thư tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Việc đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng với yêu cầu của thị trường, hay nói cụ thể là chưa có địa chỉ, phần lớn chúng ta đào tạo không theo yêu cầu của thị trường. Tôi cho rằng cần có kế hoạch hết sức tổng thể trong đào tạo nghề. Tôi cho rằng cần có kế hoạch hết sức tổng thể, trong đào tạo nghề đây là vấn đề quan trọng cần phải tính toán căn bản, bằng kế hoạch cụ thể.”
Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn những năm qua cho thấy lao động giản đơn, lao động lắp ráp, kỹ thuật đơn thuần dễ bị mất việc làm nhất. Vì vậy trong đào tạo nghề cần hướng tới đào tạo lao động kỹ thuật cao, lao động cần hàm lượng chất xám. Điều này cần có một chiến lược thực sự trong đón đầu sự phát triển của kinh tế đặc biệt đón đầu dòng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Có như vậy mới thực sự phát huy được nguồn tài nguyên con người trong phát triển kinh tế - xã hội và trong thu hút đầu tư./.