Tân Minh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Địa hình nhiều sông suối, giao thông khó khăn bởi hàng chục cây cầu tạm bợ bằng tre, gỗ đầy nguy hiểm mỗi khi mưa lũ về đang là trăn trở của các cấp chính quyền và người dân nơi đây.

Ngày nào cũng vậy, em Trần Long Hải, học sinh lớp 8A trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Minh, huyện Tràng Định cũng phải vượt qua 3 con suối đến trường. Trời nắng ráo thì đường đến trường còn dễ đi, những hôm mưa lũ thì các em phải nghỉ học vì nhiều khi cầu cũng bị cuốn trôi.

cau_1_vov_lnrc.jpg
Con đường đến trường của các em học sinh xã Tân Minh đầy gian nan, vất vả.

"Từ hôm khai giảng, cháu phải nghỉ học hai ngày vì không qua được suối. Những lúc mưa to qua suối, quần áo ướt hết mà không thể đến trường được. Cháu muốn có những cây cầu an toàn cho cháu đi học.”- em Trần Long Hải nói.

Dù vậy, ở lứa tuổi của Hải, vượt qua những cây gỗ bắc chênh vênh qua suối hay con đường lầy lội bùn đất cũng đỡ khó khăn, vất vả so với các em học sinh tiểu học. Còn những hôm lũ lớn, không chỉ các lớp học có lác đác vài học sinh mà nhiều thầy giáo, cô giáo cũng không thể đến trường.

Ngày mưa lũ những cây cầu tạm ngập trong nước.

Thầy Trương Văn Trà, Hiệu Trưởng trường Tiểu học, THCS xã Tân Minh, huyện Tràng Định đau đáu: "Không có cầu mưa lũ học sinh phải nghỉ học, các thầy cô cũng không đi được. Chúng tôi cũng huy động phụ huynh hỗ trợ làm cầu tạm để đi qua nhưng chắc chắn, an toàn, rất nhiều trường hợp bị rơi xuống suối vì cầu trơn lắm".

Hiện toàn xã Tân Minh có 10 ngầm tràn qua sông, suối thì có tới 7 điểm chưa được xây dựng kiên cố. Mỗi khi lũ về, những cây cầu tạm do người dân tự đóng góp, xây dựng cho con em mình đến trường lại bị nước cuốn trôi.

Các em phải băng qua suối để tới trường bằng những cây cầu tạm.

"Đi lại khó lắm, mỗi lần trời mưa, nước lũ như thế này đưa trẻ đi học khó lắm, trẻ toàn nghỉ học thôi. Bây giờ chỉ mong nếu không làm được đường thì làm cho cái cầu thôi để đi lại cho nó dễ"- bà Chu Thị Luyến, thôn 5, xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn nói.

Cột điện hỏng cũng được tận dụng để làm cầu tạm qua suối.

Đợt lũ đầu tháng 8 vừa qua, một số cầu tạm qua các con suối ở Tân Minh bị nước cuốn. Chính quyền địa phương đã vận động người dân góp vật liệu và công lao động để làm lại được 6 cầu, trị giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Thế nhưng, những cây cầu bằng gỗ và dây rừng này chẳng biết sẽ trụ được qua mấy trận lũ.

Muốn đi lại bằng phương tiện giao thông, người dân bắt buộc phải đi cả xe qua những con suối nước chảy xiết như thế này. 

"Kinh phí do nguồn xã hội hóa của bà con nhân dân để làm cầu tạm. Mỗi cây cầu dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Những cái cầu này rất khó khăn cho bà con đi lại vì nó chỉ đơn sơ, làm tạm khắc phục trong mùa mưa lũ để học sinh đi học, bà con nhân dân đi lại dễ dàng hơn thôi- anh Dương Đình Tuyên, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Minh, huyện Tràng Định cho biết.

Nhiều đoạn lầy lội trơn trượt di chuyển rất khó khăn, thậm chí không có phương tiện giao thông nào đi được. 

Tân Minh là xã đặc biệt khó khăn với tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến gần 50%. Mặc dù có nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình 135 nhưng đến nay mới chỉ có 3km đường trong xã được bê-tông hóa. Còn nguồn vốn nào để xây dựng những cây cầu kiên cố có thể chống chọi với nhiều mùa nước lũ thì lại là bài toán chưa có lời giải. Và như thế, con đường đến trường của những em nhỏ ở Tân Minh vẫn ngập trong bùn đất, gập ghềnh, khó khăn và muôn vàn nguy hiểm./.